Xã hội

Vì sao báo Petrotimes bị đình bản?

05/10/2016, 10:26

Việc đình bản 3 tháng và thu hồi Thẻ Nhà báo của Tổng biên tập báo Petrotimes là do rất nhiều lỗi vi phạm.

10

Toàn cảnh phiên họp báo

Sai phạm có hệ thống

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, lý do đình bản báo Petrotimes và thu hồi Thẻ Nhà báo của TBT tờ báo này đã được nêu rõ trong quyết định kỷ luật, trong đó có việc đăng lại một phần bài phỏng vấn ông Bùi Thanh Hiếu (người có nickname “Người buôn gió” trên mạng xã hội). Bùi Thanh Hiếu là đối tượng chuyên gây rối ANTT, đã bị chính quyền xử lý năm 2009, có nhiều hoạt động tuyên truyền sai sự thật nhằm chống Nhà nước ta, bôi nhọ nhiều tổ chức, cá nhân… “Việc đăng bài phỏng vấn kể trên của Petrotimes không chỉ là làm trái với tôn chỉ, mục đích của tờ báo, mà vô hình trung lại gián tiếp tiếp tay cho hoạt động chống phá Nhà nước của người này”, Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, báo Petrotimes có tôn chỉ, mục đích là thông tin liên quan đến lĩnh vực năng lượng dầu khí, phản ánh hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam và thế giới, tuyên truyền sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, những thông tin về các lĩnh vực, mảng thông tin khác trên tờ báo này thậm chí lấn át nhiều mảng thông tin theo tôn chỉ, mục đích, trong đó có nhiều bài báo xúc phạm danh dự, phẩm chất người khác.

“Ví dụ với vụ án Năm Cam, việc phá vụ án này được đánh giá thành tích lớn nhưng Petrotimes lại liên tục cho đăng những bài lật lại vụ án này, gọi những cán bộ sai phạm, đã bị xử lý trong vụ án là “người hùng”… Tờ báo cũng từng đăng tải nhiều bài viết, thông tin sai lệch gây hoang mang như: “Ông nghị sĩ Đặng Thành Tâm ôm 600 tỷ đi đâu?”, “Trung Quốc lấy nội tạng tử tù”, vụ bác sỹ Cát Tường thì đưa ra bài “Bộ trưởng Y tế nên từ chức”…Bộ trưởng Tuấn dẫn chứng và cho biết, việc đình bản 3 tháng là để cơ quan chủ quản của tờ báo củng cố lại hệ thống để tờ báo tiếp tục hoạt động, nên Bộ TT&TT không áp dụng hình thức kỷ luật đóng cửa với tờ báo này.

Theo Bộ trưởng Tuấn, tới đây bộ này tiếp tục rà soát việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của các báo và có hình thức xử lý nghiêm sai phạm.

Chính phủ nhận phản ánh về nạn phong bì

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nam vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo lập một trang web của Chính phủ, giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp cùng các tổ công tác lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp (DN) với Chính phủ. “Đây có thể gọi là cầu nối trên mạng giữa Chính phủ và DN, các câu hỏi, kiến nghị của DN tới Chính phủ và trả lời của Chính phủ tới DN, người dân sẽ được công khai minh bạch. Bất cứ ai cũng có quyền hỏi và tiếp cận thông tin tại đây”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết thêm, qua trang web này, các kiến nghị của DN trong quá trình sản xuất kinh doanh, các vướng mắc trong cơ chế chính sách, giao dịch chi phí trực tiếp sẽ được các bộ, ngành, địa phương trả lời và VPCP sẽ thành lập tổ công tác đôn đốc kiểm tra, trả lời trực tiếp với danh nghĩa Chính phủ trả lời. Trang web đã ra mắt từ ngày 1/10, nhưng từ ngày 5/10 sẽ chính thức tiếp nhận ý kiến phản ánh của DN tại địa chỉ www.doanhnghiep.chinhphu.vn.

Trả lời câu hỏi của báo chí: “Trong trường hợp DN phản ánh về tình trạng phải "đút" phong bì cho cơ quan Nhà nước để giải quyết công việc thì những phản ánh này có được đưa trên trang web hay không?”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Chính phủ luôn nhất quán thông điệp công khai minh bạch, tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho DN, cắt giảm giấy phép con, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì. Do vậy, việc đăng tải các thông tin minh bạch trên các trang web giúp việc cho Thủ tướng sẽ góp phần tạo ra một Chính phủ liêm chính.

Ông Dũng cũng cho rằng, thực tế việc chỗ này, chỗ kia yêu cầu nộp phong bì là có. Có những lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân khiến một số cán bộ, công chức, viên chức gây khó dễ cho DN trong quá trình làm hồ sơ thủ tục, thậm chí mặc cả với DN để đòi chia tỷ lệ phần trăm dự án. Chính vì thế, trang web sẽ công khai tất cả các phản ánh để ngăn chặn những nhóm lợi ích và hạn chế tối đa những tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Nếu phản ánh của báo chí, DN có căn cứ xác đáng thì cơ quan quản lý sẽ dễ dàng xem xét. Nếu ở địa phương thì chuyển về nơi đó yêu cầu giải trình, ở Bộ, ngành thì Bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm giải trình trước Thủ tướng.

Sabeco, Habeco chậm lên sàn, kiểm điểm Bộ Công thương

Trả lời báo giới về việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Habeco trong năm nay và một phần tại Sabeco, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương sớm đưa Habeco và Sabeco lên sàn chứng khoán. Hiện, Bộ đã thành lập ban chỉ đạo và đang chỉ đạo rất quyết liệt việc này trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, do thủ tục và những vướng mắc liên quan nên khả năng lên sàn của 2 DN này trong năm nay là khó khăn. Tuy nhiên, việc lên sàn nếu chậm cũng chỉ sang quý I/2017.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn: "Việc lên sàn chứng khoán chậm là lỗi của 2 DN, vì 2 DN này đã cổ phần hóa lâu rồi nhưng không lên sàn chứng khoán. Thủ tướng giao 2 DN này phải niêm yết lên sàn chứng khoán trong năm 2016, nếu thực hiện chậm, Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.