Bão số 1 khi quét vào đất liền mạnh hơn dự báo tới 4 cấp |
Tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, cơn bão số 1 có cường độ gió mạnh hơn dự báo, khi đổ bộ nó đi chậm trong đất liền nên gây ra sức tàn phá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tiếp tục có khả năng gây mưa lớn các tỉnh miền núi Tây Bắc.
Theo báo cáo thiệt hại ban đầu từ cơn bão số 1 của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương, tính đến ngày 28/7 đã có 2 người chết và mất tích, hàng trăm ngàn ha lúa tại Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa bị nhấn chìm. Mất điện trên diện rộng tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.
Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, lâu lắm rồi Thái Bình mới xảy ra mưa bão lớn như vậy, khiến lực lượng chống bão nhiều lúc bị động, không kịp trở tay. Ông Xuyên nói: “Thái Bình nằm ở vị trí tâm bão, lúc 7h tối bão giật cấp 10 rồi, bão đã chắc chắn đạt cấp 11 trở lên rồi. Cấp gió dự báo về Thái Bình chưa đúng với thực tiễn, vì trên thực tế gió giật trên cấp 11”.
Thực tế, tối ngày 27/7, bão số 1 đã có sức gió giật cấp 12 khi đổ bộ vào Thái Bình, Ninh Bình. Tuy nhiên, trong bản tin dự báo thời tiết vào 17h ngày 27/7 trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết: "vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km... Đến 4 giờ ngày 28/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9".
Tin bão mới nhất từ cơ quan khí tượng thủy văn, hiện cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đêm hôm nay (28/7), khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to. Trong 12-24 giờ tới, trên sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long và sông Bưởi sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước sông Thao tại Yên Bái, sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Đáy tại Phủ Lý có khả năng lên trên mức báo động 1 (BĐ1), các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 3.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên nhiều khu vực miền núi phía Bắc đặc biệt một số nơi như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.
>>> Xem thêm video người dân vứt xe bỏ chạy vì mưa lớn ở Hà Nội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận