Dịch sởi gia tăng tại TP.HCM từ tháng 8/2018 đến nay vẫn diễn biến phức tạp chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một phần nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng là do trào lưu “anti vaccine” của một số bà mẹ dẫn tới việc không đi tiêm phòng sởi cho con...
Sáng 19/2, PV có mặt tại Viện Pasteur(TP.HCM) và tại phòng tiêm chúng có khá đông các ông bố, bà mẹ đưa con đi tiêm ngừa. Chị Hồng Loan (34 tuổi nhà ở Q.3) có con gái 12 tháng tuổi cho biết, nghe bạn bè chia sẻ trên mạng về trào lưu “anti vaccine” chị cũng tính không cho con đi tiêm phòng. Nhưng mới đây, ông bà ngoại khuyên phải đưa cháu đi tiêm. Do thấy bệnh sởi phức tạp và nguy hiểm quá nên chị phải đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh...
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khả năng trẻ em mắc bệnh sởi từ 9 tháng tuổi là rất cao. Cha mẹ nên chú ý cho con em mình đi tiêm ngừa sớm (chích vắc xin sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia). Mặt khác, phụ nữ có ý định có thai trước 3 tháng cần đi tiêm vaccine ngừa sởi cho an toàn cho mình và con sau này...
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1( TP.HCM), chúng tôi gặp người thân cháu Nguyễn Tiến Đạt (20 tháng tuổi, ở Q. Phú Nhuận) cho biết, cháu đã sốt cao 3 ngày rồi và trên thân thể nổi ban nên gia đình lo lắng đưa cháu nhập viện. Chị Lan, mẹ của cháu Đạt cho hay, khi bé 4 tháng tuổi, nghe theo trào lưu “anti vaccine” trên mạng, chị đã không đưa cháu đi tiêm phòng, sợ về bị ốm. Chị thuê người chăm sóc cẩn thận và không cho tiếp xúc nhiều người. “Từ lúc 5 tháng tuổi, tôi đã không đưa con đi tiêm phòng, một phần con cũng hay bị sốt và ốm nên không đi, nên khi quay lại tiêm thì hết thuốc nên tới giờ 2 mũi sởi chưa tiêm...”, chị Lan lo lắng.
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, việc các phụ huynh không cho con đi tiêm ngừa theo chương trình Quốc gia là không ổn cho con của họ. Đứa trẻ rất nguy hiểm trước các căn bệnh bùng phát, như sởi là một ví dụ.
Được biết, số ca mắc sởi nhập viện tại bệnh viện không giảm so với trước Tết, trung bình 20 - 30 bệnh nhi mắc sởi nặng phải nhập viện. Các trường hợp mắc sởi đều không tiêm phòng hoặc tiêm không đủ liều nên nhiều ca bị biến chứng nặng như: viêm phổi, giảm thính lực, thậm chí giảm sức đề kháng, sau điều trị có thể bị chậm phát triển, còi xương, bác sỹ Khanh nói.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện bệnh sởi trên địa bàn TP diễn biến phức tạp. Đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 978 ca mắc bệnh sởi. Trong tuần qua, tổng số ca nhập viện về bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi trên địa bàn TP khoảng 1000 ca. Trong đó, sốt xuất huyết khoảng hơn 700 ca, tay chân miệng khoảng 25 ca và sởi khoảng 83 ca. Địa bàn các quận có ca sởi nhiều là Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 7 và Quận 8. Trong những ca bệnh sởi trên, có 95% ca mắc sởi chưa tiêm chủng...
Nhận định của các chuyên gia y tế dự phòng thì tình hình bệnh sởi đang có chiều hướng tăng. Để phòng ngừa bệnh sởi, người dân cần tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Triệu chứng của bệnh là khó thở, sốt cao kèm theo mắt đỏ, phát ban. Nguy hiểm nhất là phụ nữ có thai và người chưa tiêm ngừa...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận