Thực tế cho thấy chỉ có thể xây dựng tiêu chí trạm thu phí BOT chứ không thể lập quy hoạch trạm thu phí(Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) - Ảnh: Tạ Tôn |
Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng việc lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, cao tốc Việt Nam. Lý do vì tính khả thi của quy hoạch không cao và quan điểm, định hướng đầu tư các dự án PPP trong thời gian tới có nhiều thay đổi.
Thế giới chưa có tiền lệ
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, theo các số liệu nghiên cứu, trên thế giới chưa có quốc gia nào lập quy hoạch trạm thu phí trên quốc lộ, cao tốc. “Hiện, một số quốc gia mới chỉ đưa ra quy định về các tiêu chí đặt trạm thu phí”, ông Mười nói và dẫn chứng tại Ấn Độ, Luật Đường quốc lộ năm 1997 của quốc gia này chỉ quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí trên 80km đối với các dự án từ ngân sách Nhà nước, còn các dự án BOT không quy định cụ thể về khoảng cách giữa các trạm.
“Đồng thời, Luật Thu phí quốc lộ năm 2008 của Ấn Độ cũng quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng hướng tuyến phải trên 60km, đối với trạm thu phí cho cầu vĩnh cửu, cầu vượt, hầm có thể được thành lập trong khoảng cách dưới 60km”, ông Mười chia sẻ.
Theo ông Mười, ở Trung Quốc, điều lệ thu phí đường bộ được Quốc hội thông qua năm 2013 cũng chỉ quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí liền kề đối với quốc lộ trên 50km, cao tốc trên 30km và không thu phí đối với đường bộ cấp 2 là đường tỉnh. Đặc biệt, tại hai quốc gia phát triển là Hàn Quốc và Nhật Bản, khi xây dựng một tuyến đường theo hình thức PPP sẽ tiến hành lập trạm thu phí tại đầu, cuối tuyến, các nút giao cắt trên tuyến và không quy định cự ly giữa các trạm thu phí mà phụ thuộc vào vị trí các nút giao cắt, đồng thời duy trì khoảng cách giữa các nút giao từ 20 - 30km. Tại các vị trí trạm không thể đặt tại các nút giao do thiếu mặt bằng, giáp đô thị thì trạm được đặt trên đường chính hoặc bổ sung nút giao.
Xem thêm video:
Hiện trên các tuyến cao tốc có 12 hệ thống thu phí trong đó có 6 hệ thống đã thu phí (Trong ảnh: Phương tiện lưu thông qua trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn |
Không đủ cơ sở khoa học và thực tiễn
Thông tin về hiện trạng các trạm thu phí đường bộ tại Việt Nam, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay, trên hệ thống quốc lộ cả nước có 88 trạm thu phí, trong đó, 74 trạm do Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, còn lại 14 trạm thuộc thẩm quyền của các địa phương. “Trong số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 62 trạm đang thu phí và 26 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư”, ông Huy nói và cho biết, trên hệ thống cao tốc có 12 hệ thống thu phí, gồm 6 hệ thống đã thu phí và 6 hệ thống chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư.
“Việc ban hành quy hoạch có thể quản lý, kiểm soát dự án BOT tốt hơn, tuy nhiên, với quan điểm và định hướng đầu tư các dự án PPP trong thời gian tới, cùng với tính khả thi của quy hoạch không cao, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng việc lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, cao tốc Việt Nam”. (Trích Văn bản 1275 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký gửi Thủ tướng Chính phủ) |
Về mặt quan điểm, định hướng, ngày 27/6/2016, Bộ GTVT đã có Văn bản 7271 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các dự án PPP trong lĩnh vực đường bộ thời gian tới, trong đó sẽ tập trung đầu tư hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án mới và không triển khai các dự án theo hình thức BOT đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu.
“Trong trường hợp các dự án cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu thực sự cấp bách, không thể cân đối được nguồn vốn phải triển khai quy trình tham vấn ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Hiệp hội Vận tải ô tô các địa phương và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận của các bên”, ông Huy chia sẻ.
Theo ông Huy, tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định phải lập quy hoạch trạm thu phí. Ngoài ra, quy hoạch trạm chỉ là dự báo, việc đặt trạm thu phí phụ thuộc vào tính toán từng dự án cụ thể, tính khả thi lưu lượng xe, tính hấp dẫn của thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô nên tính ổn định, khả thi của quy hoạch không cao, không đủ cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.
“Hơn nữa, quy hoạch trạm thu phí có thể hạn chế việc tự nghiên cứu, đề xuất các dự án PPP của các nhà đầu tư do các dự án đề xuất trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch được duyệt, dẫn tới việc hạn chế số lượng các dự án PPP hiệu quả”, ông Huy cho hay.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận