Triều cường “trái mùa”, giá vật liệu tăng “cản trở” nhà thầu thi công kè sông
“Ngay như năm trước, triều cường cũng đâu có vào mùa này. Mà giờ, nước cứ thỉnh thoảng dâng cao. Triều cường khiến chúng tôi không thể triển khai thi công những hạng mục nằm sâu dưới bờ kè…”, anh Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách thi công của Công ty CP Tập đoàn Phú Tài miền Trung nói vậy vào ngày 13/4.
Gói thầu số 3 hiện đạt tiến độ cao nhất.
Công ty này là một trong ba nhà thầu thi công ba gói thầu của dự án Kè chống sạt lở, chống xâm ngập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn (đoạn từ cầu Cái Sơn 1 thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều đến cầu Sáu Bé, thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).
Theo anh Tuấn, hiện là mùa khô hạn theo thông lệ hàng năm. Nhưng riêng năm nay, có thể do phía Trung Quốc xả đập phía thượng lưu sông Hậu nên nước tràn về, gây triều cường liên tục…
Những ngày qua, không riêng Cần Thơ mà TP Bạc Liêu cũng bị triều cường dâng cao, nhiều tuyến đường nội ô ngập nặng. Việc thi công sửa chữa đường Hồ Chí Minh ở tỉnh Cà Mau cũng gặp nhiều khó khăn do triều cường…
Ngoài ra, giá vật liệu tăng vọt sau đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi năm 2021 cũng khiến các nhà thầu không trở tay kịp. Anh Tuấn cho biết, loại vật liệu tăng ít nhất cũng đến 20%, còn một số vật liệu tăng đến 50%.
Cùng lúc, cát xây dựng ở ĐBSCL đang khan hiếm, tăng giá cũng khiến các nhà thầu lao đao…
Công nhân làm việc xuyên lễ Giỗ Tổ.
Theo anh Tuấn, hiện cán bộ, kỹ sư và nhân công của công trình trên dưới 45 người, thi công liên tục nhằm đảm bảo tiến độ. Kỳ nghỉ lễ cuối tuần rồi, toàn công trình không ai nghỉ. "Thời hạn hoàn thành mới là cuối tháng 6/2022, nhưng chắc cũng khó đạt vì còn đường dây điện chưa di dời...", anh Tuấn nói.
Gói thầu nào chậm tiến độ nhất?
Dự án Kè chống sạt lở, chống xâm ngập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn với tổng vốn hơn 314,9 tỷ đồng có tổng chiều dài 2.834,4 mét, chia làm 3 gói thầu. Gói thầu số 1 từ cầu Cái Sơn 1 đến Rạch Bần dài 785,2 mét; gói thầu số 2 từ cầu Rạch Bần đến cầu Cái Sơn 2 dài 813,2 mét; còn gói thầu số 3 dài 1.240,02 mét, từ cầu Cái Sơn 2 đến cầu Sáu Bé.
Vốn cho dự án là từ ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu Ứng phó biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 (nguồn vốn ODA giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước để thực hiện Hợp phần Biến đổi khí hậu) là hơn 252,9 tỷ đồng; ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác hơn 30,5 tỷ đồng.
Một số đoạn kè thi công xong, đường hoàn thành, người dân đã cất sửa nhà, ổn định cuộc sống.
Anh Tuấn cho biết, riêng gói thầu số 3 của công ty anh đảm trách đã thi công đạt hơn 84%. Nhưng theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ chung của toàn dự án mới đạt 50,9%.
Chậm nhất là gói thầu số 1 do Công ty CP Lắp đặt điện nước IEE-24/7, mới đạt 17,98%. Còn gói thầu số 2 cũng chính Công ty CP Lắp đặt điện nước IEE-24/7 trúng thầu, cũng chỉ đạt 50,56%.
Chính việc thi công ì ạch 2 gói thầu của Công ty CP Lắp đặt điện nước IEE-24/7 đã khiến cả dự án không hoàn thành theo hợp đồng?
Do chậm, nên sau gần 6 tháng ngưng thi công (do hết thời gian hợp đồng), UBND TP Cần Thơ có quyết định số 1118/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, theo đó thời hạn thực hiện hợp đồng và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 sang năm 2021.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2021, tiến độ toàn dự án cũng chỉ đạt 67%. Nguyên nhân cũng do gói thầu số 1 và 2 của Công ty CP Lắp đặt điện nước IEE-24/7 thi công quá chậm, kéo toàn tiến độ dự án.
Một số đường điện chưa di dời cũng ảnh hưởng việc thi công.
Tranh thủ lúc không có triều cường, công nhân thi công các hạng mục bên dưới sông.
Gói thầu số 3 tiến độ tạm ổn nhất.
Thi công cống đập Cây Dừa thuộc gói thầu số 3.
Bàn giao mặt bằng chậm
Theo ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ, dự án này có 249 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 41 hộ được hưởng tái định cư.
Dự án này kéo dài, một phần cũng do ảnh hưởng thời gian giãn cách chống dịch hồi năm 2021, khiến nhân công thiếu hụt, việc vận chuyển vật tư, máy móc gặp khó khăn… Và việc bàn giao mặt bằng chậm cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Tính đến ngày 31/3/2022, vẫn còn 23 hộ thuộc địa bàn quận Ninh Kiều chưa bàn giao mặt bằng do kiến nghị về giá bồi hoàn, chính sách tái định cư. Còn quận Bình Thủy đã bàn giao mặt bằng 100%.
Chính vì vậy, nhiều khu vực, người dân không cho thi công. Như gói thầu số 1 do Công ty CP Lắp đặt điện nước IEE-24/7 đảm trách, hiện mới đúc cọc tại công trình, chưa thi công được thêm hạng mục nào.
Ngoài việc khiếu nại chưa nhận đền bù, việc bố trí tái định cư chậm cũng làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Cụ thể, khu tái định cư Ninh Kiều vẫn chưa hoàn tất để bố trí nền cho các hộ dân.
“Chi cục Thủy lợi đề nghị UBND quận Ninh Kiều, Ban Quản lý và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, UBND phường An Bình tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công.
Gói thầu số 1 và 2, từ cầu Cái Sơn 1 đến cầu Cái Sơn 2 thi công ì ạch, không thấy bóng dáng nhân công.
Chi cục cũng đề nghị Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT xem xét, tham mưu UBND TP và các Bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương cho kéo dài dự án sang năm 2022…”, ông Ninh kiến nghị.
Tuy Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ không đề cập đến trách nhiệm của Công ty CP Lắp đặt điện nước IEE-24/7 - thi công 2 gói thầu hiện chậm nhất là gói thầu số 1 và 2, nhưng đây là điều có lẽ chủ đầu tư nên xem xét. Bởi cùng thời điểm, cùng những khó khăn nhưng gói thầu số 3 do nhà thầu khác thi công lại đạt tiến độ khá cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận