Thể thao

Vì sao bóng chuyền nữ Việt Nam ngày càng suy yếu?

18/10/2016, 14:05
image

Một lần nữa khẳng định ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam đang trên đà tuột dốc.

ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam trên đà suy yếu
ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam trên đà suy yếu

Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup vừa trải qua một mùa giải nhiều thất vọng về chuyên môn, nổi cộm là sự yếu kém của đội chủ nhà.

“Lão tướng” làm trụ cột

Dù đoạt ngôi Á quân tại giải đấu có tới 4/5 đội khách mời là các CLB có trình độ chỉ ngang ngửa với một CLB loại khá trong nước như VTV Cup 2016, một lần nữa khẳng định ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam đang trên đà tuột dốc. Tất cả lắng đọng ở hai trận thua đều với tỷ số 0-3 trước đối thủ Thái Lan Chonburi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, bóng chuyền nữ Việt Nam mới có một hiệp đấu thua trước người Thái với cách biệt lên tới 15 điểm (10-25).

Nhìn vào mùa giải cho thấy hàng loạt điểm yếu phơi bày, cả trong tổ chức lối chơi, tấn công, phòng thủ, rõ nhất là khâu bước một. Gắn liền với thành tích đó là một đội hình trẻ trung và lạ đến bất thường. Đó là sự thiếu vắng của rất nhiều trụ cột hàng đầu như phụ công Bùi Thị Ngà, chủ công Đỗ Thị Minh và đặc biệt là đội trưởng Ngọc Hoa vì nhiều lý do khác nhau.

Sự tái xuất của cựu binh 34 tuổi Phạm Kim Huệ cũng không cứu vãn nổi tình thế của toàn đội, bất chấp chị đã thi đấu quyết tâm và nỗ lực. “Tôi vui khi trở lại ĐTQG lần này vì thấy mình vẫn còn khả năng đóng góp, vẫn được tín nhiệm. Nhưng buồn vì qua nhiều năm, các em trẻ vẫn chưa thể vươn lên, đến mức một cựu binh như tôi vẫn phải đóng vai trụ cột, cho dù thể lực, phong độ đã giảm sút nhiều”, Kim Huệ chia sẻ.

Trên thực tế, sức mạnh của ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam đã mất tới phân nửa khi thiếu vắng chủ công Ngọc Hoa. Suốt từ năm 2007, bóng chuyền nữ Việt Nam luôn phụ thuộc quá nhiều vào siêu sao từng giành chức VĐQG Thái Lan. Theo một lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, chuyện thay thế Ngọc Hoa là một bài toán rất khó ở thời điểm hiện tại nếu với cách làm và mặt bằng chung của lực lượng hiện tại.

Nỗi buồn đội tuyển năm một

Kể từ SEA Games 2001, lần đầu tiên đoạt tấm HCB, ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam chưa bao giờ biết đến việc tập huấn dài hạn theo một chương trình thống nhất, cũng như có tuyến trẻ kế cận. Nói nôm na, đây là đội tuyển năm một, với kế hoạch và mục tiêu năm nào biết năm đấy.

Đội hình của ĐT chỉ xoay quanh hai giải đấu: Giải nữ quốc tế VTV Cup và SEA Games. Với SEA Games, qua 8 kỳ Đại hội, ĐT này vẫn được coi là số 2 sau bóng đá nam đã tự đóng khung mình trong một đích nhắm muôn thuở: Bảo vệ ngôi Á quân. Bóng chuyền Việt Nam luôn cam phận đứng sau người Thái cùng suy nghĩ “kiểu gì cũng thua”. Trong khi đó, VTV Cup vẫn chỉ là một giải mời, với các vị khách thay đổi nhiều qua từng năm và mặt bằng trình độ chỉ ở mức vừa phải, đảm bảo chủ nhà có thể lọt vào chung kết, hay chí ít bán kết.

Thực trạng buồn này gắn với lỗ hổng chết người trong đào tạo trẻ, mảng trọng yếu từ lâu được phó mặc hoàn toàn cho các địa phương, đội bóng. Bóng chuyền Việt Nam chỉ có một hệ thống gồm ba lứa và mỗi CLB tuyển chọn, đào tạo một kiểu. Ngoại trừ hai “lò” Thông tin và Long An làm bài bản, các đội bóng khác đều bỏ qua khâu đào tạo trẻ, mà chỉ chú ý đến thành tích trước mắt, đặc biệt từ khi bóng chuyền cho thuê ngoại binh. Trên một mặt bằng chung quá khan hiếm cầu thủ có chất lượng, dĩ nhiên ĐTQG cũng không thể mạnh.

“Điểm nhấn mang lại thành công của người Thái chính là hệ thống đào tạo quốc gia gồm 5 lứa tuổi, bắt đầu từ U13 cho đến ĐTQG, theo một chương trình thống nhất bài bản, dưới sự dẫn dắt của một đội ngũ HLV tài năng. Những gì ĐT bóng chuyền nữ thể hiện tại VTV Cup cho thấy có rất nhiều vấn đề chúng ta phải tập trung giải quyết, cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, bên cạnh việc trẻ hóa mạnh mẽ ĐTQG, bóng chuyền Việt Nam chỉ có thể thành công nếu tạo ra bước đột phá về mảng đào tạo trẻ đang là khâu còn nhiều hạn chế”, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường chia sẻ với Báo Giao thông.

Mô hình tổ chức hai vòng của giải VĐQG Việt Nam thường cách nhau tới 5-7 tháng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mặt bằng chung lực lượng, cũng như ĐTQG. Trong suốt thời gian dài ấy, các cầu thủ (trừ thành viên ĐTQG) chỉ tập chay với hậu quả khó tránh là sức ì nặng nề. Thậm chí, trong những năm có sự kiện Đại hội TDTT toàn quốc, giải VĐQG chỉ tổ chức một vòng đấu duy nhất. Thế nên, không khó hiểu khi ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam ngày một suy yếu.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.