Gia đình TS. Đặng Hoàng Giang (phải) là gia đình đầu tiên tại Việt Nam đăng ký hiến tạng |
TS. Giang cùng vợ và hai con gái mới đây đã tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để đăng ký hiến tạng. Gia đình của TS. Giang là gia đình đầu tiên ở Việt Nam đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Hai con gái Mai Chi (17 tuổi) và Mai An (11 tuổi) của TS. Giang cũng trở thành những trẻ vị thành niên đầu tiên của Việt Nam mang theo người thẻ đăng ký hiến tạng.
Niềm vui “khó giải thích”
Sau khi cả gia đình cùng đăng ký vào đơn xin hiến mô, tạng, cảm xúc của ông và gia đình thế nào?
Sau khi đăng ký hiến tạng và nhận được thẻ đăng ký đem theo người hàng ngày, mọi người trong gia đình tôi đều cảm thấy rất vui, một niềm vui “khó giải thích”. Đó là niềm vui khi mình được một cái gì đấy có nghĩa cho cộng đồng.
Sau chuyện này, tôi biết cái mình được chính là việc mình vẫn có thể làm được những điều có ích khi đã qua đời. Việc có ích đó kết lại cuộc đời sẽ khiến mình vui vì thấy rằng, cuộc đời mình có ý nghĩa. Ai cũng muốn giúp đỡ người khác, để lại một cái gì đó cho sau này và việc hiến tạng, viễn cảnh ấy khiến tôi yên tâm và vui vẻ.
Tôi quan niệm khi hiến tạng là mình đang “được” chứ không phải mất.
Dư luận đặc biệt quan tâm đến việc hai con gái ông cũng đăng ký hiến tạng, trong đó bé Mai An mới 11 tuổi. Ông đã chia sẻ gì với con và bé nhận thức thế nào về vấn đề này?
"Sau khi tiếp xúc với những người cận tử, tôi thấy lúc cuối đời, cái quan trọng nhất là họ nhìn lại cuộc đời mình. Với tôi, cách chuẩn bị cho cái chết tốt nhất là sống một cuộc sống có ý nghĩa. Người hài lòng với cuộc sống mình đã sống là người có thể bình tĩnh ra đi. Nhưng thực tế, tôi cũng từng có rất nhiều cảm xúc khi chứng kiến những người cận tử mà gia đình họ không thể dũng cảm nhìn vào thực tại rằng không thể chữa trị được nữa, vẫn thuốc thang, chạy chữa, mổ xẻ làm cho người bệnh bị đau đớn về mặt cơ thể, để khi cái chết đến bất ngờ còn không kịp từ biệt người ở lại. Tôi vẫn nghĩ, nếu vượt qua được sự sợ hãi thì hiến tạng là một chuyện hết sức dễ dàng." TS. Đặng Hoàng Giang |
Ở tuổi 11 thì Mai An đã nhận thức rất cụ thể, chính xác về cái chết. Độ tuổi đó cũng biết được điều gì xảy ra về mặt sinh học khi người ta chết, chết có nghĩa là như thế nào. Về bản năng, nghĩ đến cái chết của bản thân thì ai cũng sợ hãi và không muốn nhìn sâu vào đó, nhưng nếu nhìn sâu vào cái chết đó, họ sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi ấy.
Nghĩ đến viễn cảnh trái tim của mình, hay bất cứ bộ phận nào trong con người của mình đang tồn tại ở một con người khác, giúp họ có sự sống thì đó cũng là niềm an ủi rất lớn. Niềm an ủi đó còn mạnh mẽ hơn, lớn hơn nỗi sợ mơ hồ lúc đầu của mình.
Ý tưởng hiến tạng đến với tôi đầu tiên, sau đó tôi chia sẻ với vợ con và mọi người trong gia đình đều thấy đây là việc có ý nghĩa nên hoàn toàn ủng hộ. Ngồi trước tờ đơn đăng ký hiến tạng, Mai An điềm tĩnh đánh dấu đồng ý vào các ô: thận, tụy, gan, xương. Nhưng khi đến ô tim thì bé ngập ngừng đôi chút. Khi đó, tôi nghĩ đơn giản chỉ là nỗi sợ hãi, nghĩ đến cái chết của mình và chưa thể làm quen với nó. Nhưng sau đó, An vẫn đánh dấu vào ô đồng ý hiến tim.
Tôi nghĩ rằng, đây cũng là dịp để Mai An nghĩ về cái chết của mình và của người thân, từ đó hiểu thời gian của ông bà, bố mẹ cháu là hữu hạn, để cháu sẽ sống có ý thức hơn, tập trung hơn.
Để lại dấu ấn trên đời
Nhưng người Việt nói chung đang bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Vậy vì sao ông lại có ý định này, thậm chí còn thuyết phục cả gia đình cùng thực hiện?
Trong năm qua, tôi đã đi theo hành trình cùng một số những người cận tử, tức là những người bị bệnh nặng để tìm hiểu cuộc sống của họ trước khi chết. Trong hành trình đó, tôi cũng biết được tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam. Cũng trong quá trình đó, tôi được truyền cảm hứng bởi một người mà tôi đã đi theo, họ sống ở nông thôn, trình độ thấp nhưng đã có nhu cầu, mong muốn hiến tạng và họ phải rất khó khăn khi thuyết phục gia đình để gia đình đồng ý cho hiến tạng.
Tôi tự thấy mình cũng phải làm được như vậy. Tôi trao đổi với mọi người trong gia đình và tất cả đều thấy đó là việc làm rất ý nghĩa mà mình cũng không hề mất mát gì, lại tốt cho mọi người. Bạn bè, người thân tôi cũng đều ủng hộ, không ai e ngại gì cả.
Tôi biết trong xã hội quan niệm phải “chết toàn thây” còn phổ biến, nhưng càng suy nghĩ sâu xa thì tôi càng cảm thấy quan niệm đó vô lý. Sau khi chết đi mình cũng không thể mang theo trái tim hay bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng nếu để trái tim mình đập trong một cơ thể khác, đem lại sự sống cho một người khác thì tại sao lại không làm. Nó có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Vậy trong quá trình tiếp xúc những người cận tử, trường hợp nào đã tác động trực tiếp để ông đi đến quyết định này?
Đó là trường hợp của một cô gái 28 tuổi ở Thanh Hóa, tên là Vân. Cô ấy ở một làng quê nghèo giáp biên giới Việt - Lào. Cô ấy chỉ học hết lớp 8, gia đình rất nghèo. Xung quanh làng xóm cũng còn những quan niệm cổ hủ, lạc hậu nên có rất nhiều dị nghị về quyết định hiến tạng của Vân. Nhưng Vân đã vượt qua những khó khăn đó, trong nhiều tháng liền đã cố gắng thuyết phục bố mẹ cho phép mình hiến giác mạc. Với Vân, việc hiến giác mạc chính là sự đánh dấu đầy ý nghĩa cho việc kết thúc cuộc đời của mình. Cô ấy đã ra đi bằng một hành động có ý nghĩa.
Vân đã dành phần sức lực cuối cùng của mình để ghi âm vào điện thoại những lời dặn dò dành cho hai đứa con 8 tuổi và 3 tuổi. Cô ấy cũng đã chấp nhận sống trong mù lòa ở những ngày cuối đời sau khi thực hiện tâm nguyện để hiến giác mạc còn lành lặn cho những người còn sống.
Chính câu chuyện ấy đã thôi thúc tôi cùng gia đình quyết định hiến tạng, vì một người trong môi trường khó khăn, hoàn cảnh ngặt nghèo như thế họ còn làm được thì tại sao mình lại không làm được, trong khi mình không bị cản trở gì, cũng không mất gì. Ai cũng muốn để lại dấu ấn trên đời và tôi cho rằng, hiến tạng cũng là một cách để lại dấu ấn rất có ý nghĩa.
Sau quá trình tiếp xúc với những người cận tử, được biết ông chuẩn bị cho ra đời cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời - Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống”. Vậy điều tâm đắc nhất của ông trong cuốn sách ấy là gì?
Có hai điều tôi rút ra được. Thứ nhất, đó là trong hoàn cảnh bi đát nhất, cùng cực nhất, người ta vẫn có thể sống một cách có lòng tự trọng, sống một cách có bản lĩnh. Tôi đã từng chứng kiến những người rất nghèo, rất khó khăn, khi cơ thể họ bệnh tật, đầy đau đớn thì họ vẫn trải qua bi kịch ấy với sự can trường, dũng cảm. Đó cũng chính là điều động viên để tôi trải qua những khó khăn trong cuộc sống. Tôi cũng biết những khó khăn trong cuộc sống của mình chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì mà họ phải trải qua.
Thứ hai, khi chứng kiến những bị kịch không may của những người cận tử, tôi càng quý trọng những gì mình đang có. Tôi đã tận mắt chứng kiến những đau đớn của họ, khi họ tiếc nuối vì không chơi được với con, không nấu ăn được cho gia đình, không được ở bên người thân hay cảm nhận những điều trong cuộc sống... Nhiều khi những vật lộn trong cuộc sống làm mình quên mất những cái đó, mình lại tập trung quá nhiều điểm tiêu cực trong cuộc sống mà quên đi “châu báu” mình đang cầm trong tay.
Tiếp xúc với những người cận tử sẽ cho thấy mình may mắn thế nào, để từ đó ý thức sống tập trung hơn, sống có ý nghĩa hơn, không phí hoài thời gian.
Vượt qua nỗi sợ hãi, hiến tạng sẽ rất dễ dàng
Người Việt nói chung rất lo sợ việc “chết không toàn thây”. Còn ông nghĩ sao?
Đó là quan điểm vô lý, phi logic vì đạo Phật nói rõ cơ thể này không thuộc về chúng ta, khi ta chết cũng không ai mang theo được gì. Vì thế tôi cho rằng, không có khái niệm “toàn thây” để giữ được cơ thể khi mình chết. Thay vì vậy, tại sao không để cho các bộ phận của mình làm việc ý nghĩa cho xã hội, giúp người khác có sự sống?
Ngoài ra, trong đạo Phật có nhiều điển tích dạy rằng, chúng ta cần tích đức để giúp người khác, thậm chí có điển tích trong đạo Phật nói rằng vài kiếp trước, đức Phật đã hiến cơ thể để cứu một con hổ bị đói. Cho nên việc chết toàn thây không phải đến từ đạo Phật, nó chỉ là tín ngưỡng dân gian và tôi nghĩ là nó không hợp logic. Nhưng hiện nay cũng đã bắt đầu có sự thay đổi, những người thuộc lớp trẻ không còn tin vào điều đó nữa. Vì thế, đang có sự xung đột về quan điểm giữa những người trẻ và những người thuộc thế hệ cũ.
Là người từng chiêm nghiệm nhiều về cái chết, cũng đã chứng kiến những giây phút cái chết cận kề của không ít người. Vậy khi đối diện với tờ đơn đăng ký hiến tạng trước mặt, ông có nghĩ mình đang đối mặt với cái chết của bản thân?
Đúng vậy, nhưng tôi cho đó là sự đối diện cần thiết. Càng đối diện với điều chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai thì mình sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn khi nó xảy ra. Nếu như mình càng chạy trốn nó, càng rúc đầu xuống cát như một con chim đà điểu thì sẽ càng trở thành nô lệ không có tự do và nó sẽ làm mình hoảng sợ, điên loạn và tuyệt vọng. Đó là điều tôi không mong muốn khi cái chết xảy ra với tôi hay với người thân của tôi.
Chúng ta đều biết đây là cái không thể chạy trốn, vì thế, chi bằng chúng ta học cách nhìn vào nó một cách đàng hoàng thay vì bịt mắt sợ hãi.
Lúc đối diện như thế, tôi thấy thực ra nó chỉ là lúc nhắc nhở mình rằng, khoảng thời gian mình có là hữu hạn nên sắp xếp lại những ưu tiên, sống thế nào đó để khi mình ra đi, mình tự hào với cách mình sống.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận