Máy ủi vận chuyển người qua chỗ ngập nước tại Khu đô thị Resco (Bắc Từ Liêm) - Ảnh: K.Linh |
Nhiều tuyến đường Hà Nội bị ngập nặng, ùn tắc giao thông nghiêm trọng sau trận mưa đêm 24, sáng 25/5. Nhưng có một điều khiến nhiều người băn khoăn, đó là các khu đô thị mới, dù vừa được xây dựng vài năm cũng rơi vào tình cảnh tương tự, thậm chí ngập nặng hơn?!
Chuẩn châu Âu cũng ngập
Sáng sớm 25/5, hàng loạt tuyến đường, nhất là phía Tây Hà Nội ngập úng nghiêm trọng. Phố Trần Bình đoạn trước cổng Bệnh viện 198 ngập sâu khoảng 50cm, tuyến đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi từ đường Vành đai 3 xuống cũng ùn tắc kéo dài vì ngập. Khu vực Bến xe Yên Nghĩa chìm nghỉm trong nước. Đường 70 đoạn qua cổng làng Vạn Phúc (Q Hà Đông), Ngọc Trục (Đại Mỗ) ngập sâu khoảng 20cm. Đường Dương Đình Nghệ ngập quá nửa bánh xe buýt...
Không chỉ các tuyến đường, nhiều khu đô thị mới từng được quảng cáo chuẩn châu Âu như: Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) cũng bị ngập sâu vài chục cm, có chỗ ngập đến 60cm, khiến hàng loạt xe ô tô chết máy giữa đường. Anh Thái, người dân tại khu đô thị này than thở, sáng 25/5 phải xin nghỉ làm vì toàn bộ các tuyến đường xung quanh đều ngập, không thể đi lại được.
“Tôi cố gắng dắt xe máy ra đến đường Quang Trung để mong có thể di chuyển được nhưng lực bất tòng tâm. Cuối cùng đành gọi điện xin cơ quan cho nghỉ, làm việc ở nhà qua email. Không hiểu sao khu đô thị từng được quảng cáo là phong cách Hoàng gia châu Âu mà lại có thể bị cô lập dễ dàng chỉ sau một đêm mưa như vậy”, anh Thái băn khoăn.
Chung cảnh ngộ là Khu đô thị Văn Quán nằm sát trục đường chính Trần Phú. Dù có hai hồ nước điều hòa khá rộng nhưng khu đô thị này bị ngập nặng. Anh Nguyễn Thế Anh, người dân sinh sống trong khu nhà liền kề khu đô thị này cho biết, mưa lớn quá nên nước tràn cả hồ gây ngập các tuyến đường xung quanh. Ngập sâu đến 40cm khiến nhiều xe máy bị chết máy, xe ô tô không dám đi lại. Một số con đường nhỏ xung quanh khu đô thị này buộc phải phong tỏa không cho các phương tiện đi vào vì ngập quá sâu. Nhiều phụ huynh đưa con đi học không vào được trường đành phải xin nghỉ, quay về.
Khu đô thị Resco (Cổ Nhuế) gần như cũng bị cô lập hoàn toàn. Các hộ dân không thể ra ngoài đi làm vì nước quá sâu. Người dân ở chung cư Thăng Long Victory nằm trong Khu đô thị An Khánh, Hoài Đức cũng khốn khổ vì bốn bề là biển nước. Đại lộ Thăng Long đoạn qua Khu chung cư Thăng Long Victory cũng bị ngập đến nửa xe máy, không thể đi lại.
Đô thị mới không tuân thủ cốt nền chung
Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường và khu đô thị bị ngập là do lượng mưa tại nhiều điểm ở Hà Nội quá lớn và kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
“Tại Cầu Giấy, chúng tôi đo được lượng mưa lên đến 278mm, tại Mễ Trì 235mm liên tục trong vòng 5 tiếng. Nếu so với trận mưa năm 2008 khoảng 580mm trong vòng 2 ngày. Như vậy có thể thấy lượng mưa quá lớn, dẫn đến hệ thống thoát nước quá tải gây ra úng ngập”, ông Sương nói và cho biết, khu vực ngập sáng qua chủ yếu tập trung ở khu vực sông Nhuệ do lượng nước lên quá nhanh.
Ở góc độ chuyên gia xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho biết, đáng buồn là tình trạng ngập úng lại đang xảy ra tại nhiều khu đô thị mới. Nguyên nhân có thể do quản lý cốt nền không đúng theo tiêu chuẩn. Các khu đô thị mới hiện nay đang không tuân thủ chuẩn cốt nền chung.
“Hiện đang có tình trạng cấp cốt nền cho từng khu đô thị. Thế nên mới có chuyện khu đô thị xây dựng trước áp dụng một cốt nền, nhưng khu đô thị xây sau lại áp dụng cốt nền khác cao hơn, dẫn đến nước dồn vào khu cũ gây ra úng ngập”, ông Liêm nói.
Phó chủ tịch UBND phường Mộ Lao Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, Khu đô thị Mỗ Lao áp dụng đúng chuẩn quy hoạch cốt nền của thành phố là 6.0. Vậy nên khả năng tiêu thoát nước rất tốt cộng thêm vừa được đấu nối đường thoát nước chính nên không bị ngập như những khu đô thị khác.
Ở một khía cạnh khác, ông Liêm cho biết, hệ thống hồ điều hòa ở các khu đô thị mới hiện không phát huy tác dụng, thậm chí nhiều khu hồ điều hòa còn bị lấp để lấy đất làm nhà, dẫn đến thoát nước chậm. Để sớm khắc phục tình trạng này, cần quy hoạch hệ thống cống lớn dẫn ra hồ Yên Sở và các kênh mương, khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Dựa vào đó để cấp cốt nền đồng bộ cho các khu đô thị mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận