Thượng Nghị sĩ Mỹ Tim Kaine, một trong hai tác giả của dự luật kêu gọi chấm dứt hiệu lực của Luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1991 và 2002
Gần chục Nghị sĩ lưỡng đảng đồng tình
Ngày 4/3, hãng Fox News đưa tin, một nhóm Nghị sĩ lưỡng đảng bao gồm Thượng Nghị sĩ đến từ Đảng Dân chủ Tim Kaine và Thượng Nghị sĩ Todd Young thuộc Đảng Cộng hòa, đã đề xuất dự luật chính thức chấm dứt hiệu lực của Luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự (viết tắt là AUMF - Authorization for Use of Military Force) được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1991 và 2002 trong các cuộc chiến Iraq và vùng Vịnh.
Một lần nữa, các Nghị sĩ Hoa Kỳ muốn tái khẳng định vai trò chủ chốt của Quốc hội trong việc phát động hay chấm dứt các cuộc chiến.
Hiện nay, một làn sóng tức giận đang bùng lên trong nhiều nhóm Nghị sĩ Mỹ xung quanh việc Tổng thống Joe Biden, bỏ qua Quốc hội, trực tiếp ra lệnh không kích Syria cuối tuần qua, nhằm vào các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn, vốn bị Washington quy trách nhiệm tấn công các mục tiêu của Mỹ tại Iraq.
Trong thông báo về dự luật, ông Kaine lập luận: “Cuộc không kích tuần trước tại Syia cho thấy cơ quan hành pháp có thể lạm dụng quyền lực chiến tranh”.
“Trách nhiệm của Quốc hội không chỉ dừng lại ở bỏ phiếu quyết định hành động quân sự mới mà còn rút lại những quyền hạn cũ không còn cần thiết” - ông Kaine nhấn mạnh.
Bên ngoài hành lang Quốc hội, có ít nhất 6 Thượng Nghị sĩ đến từ cả hai Đảng đã ký ủng hộ dự luật do nhóm Kaine-Young đề ra.
Quốc hội hay Tổng thống Mỹ có thực quyền phát động chiến tranh?
Binh sĩ Mỹ kiểm tra hiện trường tại căn cứ không quân - nơi có liên quân đồn trú tại Iraq - bị tên lửa Iran tấn công ngày 13/1/2020
Thực tế, theo Hiến pháp Mỹ, không phải Tổng thống mà là Quốc hội mới có quyền phát động chiến tranh.
Song Quốc hội Mỹ đã thông qua các điều luật được gọi là AUMF vào năm 1991 và năm 2002 liên quan tới các cuộc chiến tại Iraq, vùng Vịnh và một AUMF khác vào năm 2001 vì cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda cho phép Tổng thống Mỹ có thể phát động một số hoạt động tấn công mà không cần qua Quốc hội.
Chẳng hạn, với AUMF năm 2001, Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông George Bush được quyền tấn công bất cứ lực lượng nào liên quan tới tổ chức khủng bố al-Qaeda bất kể thời gian, địa điểm.
Luật này không xác định thời hạn và trong nhiều năm dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama (đến từ đảng Dân chủ), ông nới rộng quyền hạn của AUMF, thực hiện nhiều cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vì lý do tổ chức khủng bố này là một nhánh của khủng bố al-Qaeda.
Tranh cãi về quyền phát động tấn công của Tổng thống Mỹ nhiều lần dậy sóng dưới thời ông Donald Trump (đến từ Đảng Cộng hòa) khi ông bỏ qua Quốc hội và quyết định không kích Syria.
Nhiều Nghị sĩ chỉ trích, các Tổng thống từ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lợi dụng luật này biện minh cho những quyết định không kích gần đây. Từ đó, Mỹ phải chứng kiến những cuộc chiến không có hồi kết và lực lượng Mỹ phải lăn lộn chiến đấu ở nước ngoài suốt hàng chục năm.
Trong quyết định không kích Syria tuần trước của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính quyền của ông khẳng định đây là hành động đáp trả lại nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn, đang đóng quân tại Syria vì trách nhiệm trong các cuộc tấn công gây thiệt hại cho lực lượng Mỹ tại Iraq trước đó.
Sau khi bị một số Nghị sĩ đảng Dân chủ chỉ trích, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thư tới lãnh đạo Quốc hội giải thích lý do không kích lực lượng dân quân thân Iran tại Syria.
Trong thư, ông Joe Biden viết, vụ không kích nhằm vào một “cấu trúc thuộc lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn” và là hành động "tuân theo quyền tự vệ vốn có của Mỹ, được thể hiện trong Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Ngày hôm qua (3/3), chỉ vài giờ trước khi dự luật của 2 Nghị sĩ Kaine-Young được trình lên Quốc hội, một căn cứ không quân nơi có lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu đồn trú tại Iraq tiếp tục bị nã rocket trên quy mô lớn.
Ngay sau sự việc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc) ông John Kirby chỉ trích vụ tấn công nhằm vào căn cứ không quân Iraq là “gây rối”.
Một lần nữa, ông Kirby nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ Joe Biden, với tư cách là Tổng Tư lệnh, có trách nhiệm cơ bản để thực hiện hành động tự vệ nhằm bảo vệ binh lính và tài sản Mỹ ở nước ngoài, không gì có thể thay đổi được điều đó”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận