Xu hướng muốn sở hữu và triển khai tàu sân bay
Vào tháng 10/2021, một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và hai tàu sân bay của Mỹ, USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson, đã phối hợp tiến hành tuần tra vùng biển xung quanh Đài Loan.
Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ liên tục gia tăng, cuộc tuần tra của nhiều tàu sân bay cỡ lớn này thể hiện quyết tâm của những nước tham gia nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang hướng tới sở hữu những con tàu sân bay quan trọng này.
Các tàu sân bay Mỹ, Nhật và Anh phối hợp tập trận hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh - Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Nhật Bản đang thực hiện cải tạo tàu khu trục lớp Izumo thành tàu sân bay để vận hành chiến đấu cơ F-35B. Hàn Quốc cũng đã khởi động lại kế hoạch đóng tàu sân bay.
Trung Quốc, quốc gia dần trở thành một thế lực quân sự đáng gờm trên biển, cũng đang chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay thứ ba. Và đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên của nước này được trang bị máy phóng điện từ tiên tiến.
Theo nhận định của tờ SCMP, việc sở hữu các con tàu quy mô lớn này vừa thể hiện sự giàu có về vật chất, vừa là biểu tượng của sức mạnh quân sự và vừa thể hiện tham vọng tăng cường sự hiện diện ở các vùng biển tại châu Á của các quốc gia sở hữu.
Trước xu hướng này, nhiều nhà quan sát cho rằng các quốc gia khu vực cần tăng cường hệ thống thông tin liên lạc để giảm bớt nguy cơ căng thẳng và xảy ra sự cố.
Tranh cãi về thông điệp từ các con tàu sân bay
Ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của đơn vị tham vấn Mỹ Rand Corporation, cho biết tàu sân bay thường được triển khai để gửi đi thông điệp chính trị.
Ông Heath nhận định: “Việc sử dụng tàu sân bay là để gửi một thông điệp nào đó và thể hiện năng lực quân sự mạnh mẽ. Điều này cũng là dấu hiệu của một thế giới đang gia tăng bất ổn và khủng hoảng quân sự”.
Chuyên gia Health nói thêm rằng: “Các chính phủ trên thế giới hy vọng tránh được chiến tranh nên họ dựa vào lực lượng quân sự để gửi thông điệp răn đe và cảnh báo. Hàng không mẫu hạm là một trong số những khí tài quân sự cao cấp nhất hiện có và rất thích hợp để gửi đi tín hiệu như vậy. Tuy nhiên, về năng lực tác chiến, các tàu sân bay rất dễ bị tổn thương trong thời đại tên lửa hành trình và đạn đạo chống hạm tầm xa ngày càng phát triển”.
Nhà phân tích này kỳ vọng, trong khi lực lượng quân đội các bên tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện để đảm bảo sự sẵn sàng và phát tín hiệu răn đe, thì ngoại giao tích cực cũng cần duy trì để giảm bớt căng thẳng và có thể bổ sung cho những tín hiệu quân sự nhằm bảo đảm an ninh hơn cho tất cả mọi người.
Đồng tình với nhận định này, ông James Bosbotinis, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và quốc tế, cho rằng các chính phủ nên tăng cường đối thoại và phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin để quản lý căng thẳng địa chính trị.
“Về mặt này, Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore là diễn đàn phù hợp. Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương danh tiếng được tổ chức thường niên tại Singapore, quy tụ nhiều quan chức quốc phòng quan trọng của khu vực.
“Thông qua các hoạt động như thăm cảng và diễn tập huấn luyện, lực lượng hải quân đang đóng góp vào hoạt động ngoại giao. Thêm vào đó, lực lượng hải quân của các quốc gia đối địch vẫn có thể tham gia vào các hoạt động xây dựng lòng tin để giảm căng thẳng, thậm chí thực hiện các chuyến thăm cảng giúp xây dựng mối quan hệ tương tác ở nhiều cấp độ” - ông Bosbotinis thông tin thêm.
Tuy nhiên, không đồng tình với những ý kiến trên, ông Drew Thompson, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng việc diễn giải các thông điệp từ tàu sân bay quá nhiều là không phù hợp.
Ông Drew Thompson nói: “Các tàu sân bay không phải để so sánh. Chúng phục vụ các mục đích cụ thể, thường là để thể hiện sức mạnh ở một khoảng cách xa, thay vì đối phó với các tàu sân bay khác”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận