Nếu như trước đây, người dân đi mua nhà chỉ mong có được chốn an cư thì nay họ đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở. Cụ thể, khách hàng đang nhắm tới những dự án có nhiều tiện ích nội khu, có diện tích mảng xanh lớn.
Tuy vậy, trong số 1.300 dự án cấp phép mới và hoàn thành (tính đến hết tháng 9/2021), chỉ có 201 dự án được Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC công nhận chứng chỉ xanh.
Cây cối trong Khu đô thị Viglacera trở nên xám xịt bởi quanh năm bao phủ bụi
Hứng đủ ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn
Nằm ngay trục đường Quốc lộ 70, đoạn qua phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, dự án Viglacera quy hoạch hơn 14ha với mục tiêu khu đô thị xanh, hiện đại và chất lượng cao.
Thế nhưng, gần chục năm nay, cư dân khu vực này chưa đêm nào ngủ yên bởi trục đường quốc lộ rầm rập những dòng xe container lớn nhỏ chạy qua.
Vật liệu, phế liệu như cát, gạch, xi măng... tập kết, vương vãi xung quanh lối vào dự án, mỗi lần xe chạy qua bụi cuốn mù mịt. Khói bụi bám đầy những tán lá, khiến cây xanh ở đây luôn nhuộm màu xám xịt.
Anh Tuấn, một cư dân chia sẻ, trước đây hai vợ chồng anh lựa chọn mua dự án với hy vọng có không gian sống xanh, sạch.
Thế nhưng không ngờ, từ khi dọn về đến nay, đường sá bụi bặm vì việc xây dựng xung quanh diễn ra liên miên. Dù đóng cửa kín cả ngày lẫn đêm và ngày nào cũng lau dọn nhưng không thể nào tránh được bụi phủ mờ cả mặt bàn, ghế.
Tương tự, tại 12 tòa chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, ngoài hứng bụi từ các dự án xây dựng, xe cộ, người dân chung cư còn phải chịu đủ các mùi hôi tanh bốc lên từ chợ cóc họp dưới chân tòa nhà.
Cư dân Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, hàng quán, chợ búa ngay dưới chân tòa nhà khiến việc mua sắm cũng tiện. Tuy nhiên, đi kèm đó là cư dân phải hứng chịu đủ thứ mùi lẫn tiếng ồn.
“Trước đây mua chung cư thì chỉ mong mua được căn hộ ưng ý, hợp túi tiền mà không nghĩ nhiều đến chất lượng sống thế nào. Tôi cũng như một số người bạn hiện muốn tìm một căn hộ xanh đúng nghĩa để chuyển nơi ở, song việc tìm kiếm không hề dễ dàng”, chị Thanh cho biết.
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, tính đến quý III/2021, tại thị trường Việt Nam mới có 201 dự án bất động sản (trong số 1.300 dự án được cấp phép và hoàn thành) được công nhận chứng chỉ xanh.
Chứng chỉ này bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh (LEED), được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC); Chứng chỉ công nhận công trình xanh (EDGE) cấp bởi tổ chức IFC và Lotus cấp bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC).
Nhu cầu cao, cung nhỏ giọt
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia nhận định, bất động sản xanh vẫn là phân khúc “vàng”, thu hút khách trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho hay, trước đây bất động sản xanh vốn đã được người mua nhà quan tâm.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu với phân khúc này sẽ càng lớn hơn, bởi nhiều người mong muốn có một môi trường sống an toàn. Vì thế, chắc chắn nhiều khách hàng sẽ tìm đến dự án bất động sản xanh thời gian tới.
Cũng theo ông Đính, dự án xanh không đơn giản chỉ là trồng nhiều cây xanh, mà phải tổng hòa nhiều yếu tố như: Công trình có khí trời nhiều, ánh sáng tự nhiên nhiều hơn là sử dụng năng lượng; năng lượng sử dụng bằng thiết bị tiết kiệm, không tạo độ thải ra môi trường. Vật tư cũng phải gần gúi với thiên nhiên, ít khói bụi...
“Chính vì vậy, chi phí đầu tư bất động sản xanh sẽ cao hơn bất động sản thông thường từ 10 - 20%. Nếu mỗi m2 xây dựng thông thường chi phí từ 7 - 10 triệu đồng thì bất động sản xanh sẽ khoảng 8 - 11 triệu đồng. Nhưng bù lại, người dân sống trong dự án này sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn: Không khí mát mẻ thì giảm tiêu thụ điện điều hòa, nhà sáng thì giảm bóng đèn... Đặc biệt chi phí hơn cả đó là môi trường trong lành, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho cư dân”, ông Đính phân tích.
Cùng quan điểm, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam khẳng định, bất động sản xanh thời gian tới sẽ thu hút quan tâm của khách hàng, đặc biệt là phân khúc cho thuê.
Tuy nhiên, song song với nó cũng là bài toán của chủ đầu tư bởi chi phí sản phẩm này sẽ tăng, tỷ lệ nghịch với lợi nhuận.
Cụ thể, những dự án dân cư đạt tiêu chuẩn xanh có thể có tốc độ hoàn thiện chậm, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, chi phí và khả năng thanh khoản.
Bởi vậy, tiềm năng sinh lời của bất động sản này là một bài toán khó trong chiến lược đầu tư bền vững.
Tuy nhiên, ông Neil cho rằng, quá trình đầu tư, các chủ đầu tư nên cân nhắc lợi ích về môi trường và xã hội thay vì chỉ nhìn vào tổng lợi nhuận.
Còn dưới góc độ chuyên gia, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, hiện nay cơ sở pháp lý về đô thị xanh chưa hoàn thiện. Có rất nhiều tiêu chí về đô thị xanh được đưa ra nhưng chưa đồng nhất.
“Chẳng hạn, trong quy hoạch đã tính toán đến mật độ xây dựng, tầng cao, tỷ lệ cây xanh, bảo tồn đa dạng sinh học. Có 23/63 tỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Thế nhưng thế nào là “xanh” gắn với bảo tồn sinh học thì chưa được cụ thể”, ông Nghiêm nói.
Theo các chuyên gia, bất động sản xanh được hình thành bởi 4 yếu tố cơ bản: Không gian xanh, vị trí xanh; vật liệu xanh, kiến trúc xanh; tiện ích xanh và chứng chỉ xanh.
Trong đó, không gian xanh là vị trí ít bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đô thị, nhiệt độ thấp hơn trung tâm 1,5 - 2 độ và chỉ số bụi mịn thấp hơn.
Về vật liệu xanh, thiết kế xanh, yêu cầu đối với một dự án bất động sản xanh là cần có mật độ xây dựng thấp, trong đó, cây xanh, mặt nước chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, dự án cần sử dụng vật liệu cách nhiệt, giảm thải chất rắn ra môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời.
Về yếu tố tiện ích xanh, dự án cần chú ý tới việc sử dụng tiện ích đa năng như công viên nội khu đáp ứng đầy đủ các tiện ích sống, kết hợp một cách hài hòa, giúp nuôi dưỡng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho cư dân...
Một yếu tố không thể thiếu là tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ xanh. Đây là hệ thống đánh giá và cấp giấy chứng nhận xanh đặt ra yêu cầu từ quá trình thiết kế cho đến khi triển khai dự án phải có trách nhiệm với môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận