Thế giới giao thông

Vì sao càng mở rộng đường càng tắc nghẽn giao thông?

05/07/2017, 13:12

Nếu xây thêm đường cũng không giải quyết tắc nghẽn, vậy còn phương án nào có thể cứu chữa căn bệnh trầm kha này?

36

Thảm cảnh tắc đường tại Trung Quốc

Các chuyên gia và nhiều tổ chức trên thế giới đã thực hiện vô số các cuộc nghiên cứu về tình hình tắc đường và nhận thấy, việc xây dựng thêm đường phố chỉ giúp cải thiện điều kiện giao thông. Còn việc giảm mật độ phương tiện chỉ có hiệu quả mang tính cục bộ và trong thời gian ngắn. Vậy, đâu mới là giải pháp tối ưu nhất?

Mở rộng đường chỉ là biện pháp ngắn hạn

Trong nghiên cứu mới đây nhất do các nhà hoạt động của chiến dịch Bảo vệ nông thôn Anh (CPRE) thực hiện và công bố đầu tháng 7, 86 dự án đường được hoàn thành trong giai đoạn 2002 - 2012 với tổng chi phí xây dựng 10 tỉ bảng Anh được dùng làm đối tượng nghiên cứu xem xét.

Trong đó, phần lớn các dự án xây dựng đường đều không giúp giảm tắc nghẽn, làm lợi cho kinh tế địa phương mà còn khiến giao thông tồi tệ hơn. Nghiên cứu trên được đưa ra khi Chính phủ Anh dự định chi 1,2 tỉ bảng Anh để xây dựng và bảo trì đường bộ trong năm 2018 với mục đích cắt giảm tắc nghẽn, cải thiện thời gian hành trình và tạo công ăn việc làm.

Ông Ralph Smyth, một nhà hoạt động thuộc CPRE cho biết, các dự án xây dựng đường sá chỉ dẫn đến “sự thất vọng giữa một vòng luẩn quẩn - xây đường, tắc nghẽn và lại xây đường tiếp”. Theo ông, “nhiều tuyến đường không giúp giảm tắc nghẽn như hứa hẹn ban đầu của giới chức. Tình hình giao thông có chăng chỉ cải thiện trong năm đầu tiên rồi sau đó mật độ phương tiện tăng lên và đâu lại vào đó”.

Chuyên gia về quy hoạch đô thị, tác giả cuốn sách Walkable City (Thành phố có thể đi bộ), ông Jeff Speck từng có nghiên cứu về vấn đề này và chỉ ra những con số đáng ngạc nhiên: Khi đường được mở rộng, tắc nghẽn lập tức xảy ra trên 40% tổng số chuyến đi tính trên mỗi làn đường mới hoặc mỗi km đường bộ.

Trong vòng 4 năm, tất cả các chuyến đi trên đường mới đối mặt với 100% tắc nghẽn. Ông Speck lấy ví dụ về kế hoạch mở rộng đường cao tốc 405 của bang California, Mỹ tiêu tốn 1,6 tỉ USD. “Nghiên cứu cho thấy, tốc độ các phương tiện di chuyển trong buổi chiều trên đường cao tốc này vẫn giữ nguyên hoặc chậm hơn một chút so với thời điểm trước khi đường được mở rộng”. Hay trên đường cao tốc Katy đoạn gần Houston, bang Texas mới được mở rộng thêm làn, thời gian đi lại buổi sáng dài hơn 30% so với thời điểm trước đó; Thời gian di chuyển buổi tối dài hơn 55% so với cùng thời điểm trước khi thêm làn.

Giải pháp là gì?

Nếu xây thêm đường cũng không giải quyết tắc nghẽn, vậy còn phương án nào có thể cứu chữa căn bệnh trầm kha này?

Singapore là nước có mật độ phương tiện/km đường cao nhất thế giới - 281 phương tiện/km, cao hơn Nhật Bản (63 phương tiện/km), Anh (77 phương tiện/km)… Là một quốc đảo tí hon, dù muốn xây thêm đường Singapore cũng không đủ quỹ đất để thực hiện. Nước này đã tìm ra cách để giảm/tránh các vấn đề giao thông.

Trong đó, Chính phủ Singapore áp dụng bài bản phương án quản lý, điều tiết ô tô bằng hệ thống hạn ngạch, phí đăng ký, phí tắc đường. Nếu như việc đặt hạn ngạch và phí đăng ký mua xe mới để kiểm soát phát triển lượng ô tô thì phí tắc đường được áp dụng linh hoạt để điều tiết lượng xe trên đường.

Không chỉ vậy, Singapore cũng phát triển rất hiệu quả hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, hệ thống tàu điện ngầm MRT hiện đại cho phép người dân di chuyển dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Từ năm 1996, Singapore đã có Sách Trắng về giao thông, trong đó chú trọng tới chiến lược để cải thiện hoạt động của hệ thống giao thông (kiểm soát về tốc độ di chuyển trên đường, hạ tầng giao thông công cộng, tầm nhìn về tài chính).

Tiếp đó năm 2008, trong Kế hoạch Tổng thể giao thông đường bộ (LTMP), Singapore chuyển sang hướng tiếp cận hệ thống giao thông “lấy người dân làm trung tâm” và nhấn mạnh việc chú trọng vào phương tiện công cộng. Ngoài việc xây dựng thêm tuyến tàu, làn xe buýt, tuyến xe buýt, Chính phủ Singapore chú trọng cải thiện trải nghiệm, thay đổi hành vi sử dụng phương tiện giao thông để thuyết phục người dân từ bỏ phương tiện cá nhân. 

Từ năm 2009, Chính phủ Singapore còn tận dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, các thành viên cộng đồng, sinh viên để thuyết phục mọi người thay đổi thói quen dùng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, giảm bớt sự khó chịu khi di chuyển bằng phương tiện này. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.