Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về kiến nghị cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có làn dừng khẩn cấp, nên nếu có sự cố xảy ra thì sẽ rất khó khăn trong vấn đề cứu nạn, cứu hộ.
Theo đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết ách tắt giao thông cho QL1A, đoạn qua địa bàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh internet
Tuy nhiên, dự án vẫn còn bất cập do không có làn dừng khẩn cấp, nên nếu có sự cố xảy ra thì sẽ rất khó khăn trong vấn đề cứu nạn, cứu hộ và kịp thời xử lý sự cố.
Lý giải về kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc này có quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn phân kỳ đầu tư, tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe hạn chế, giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô của giai đoạn hoàn chỉnh. Bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp cách nhau từ 8 km đến 10 km.
Dự án do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 30/4/2022 và chính thức thu phí từ ngày 9/8/2022. Sau khi vận hành, khai thác đã cho thấy còn một số bất cập như bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp với mật độ thấp (8km - 10km).
Bộ GTVT cho biết, để xử lý các tồn tại, bất cập trên các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ, ngày 1/6/2022, Bộ đã thành lập tổ công tác nhằm rà soát, đánh giá một số nội dung về tiêu chuẩn thiết kế và tổ chức vận hành, khai thác (dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Cao Bồ - La Sơn).
Qua kết quả rà soát, đánh giá, Bộ GTVT đã điều chỉnh Tiêu chuẩn cơ sở đường ô tô cao tốc trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, điều chỉnh các đoạn dừng xe khẩn cấp cách nhau từ 4km - 5km; tăng bề rộng làn dừng xe lên 3 m, kéo dài phạm vi đoạn dừng xe khẩn cấp lên 170m và sẽ áp dụng cho các dự án cao tốc đang chuẩn bị đầu tư và triển khai thi công.
"Với các dự án cao tốc đầu tư theo quy mô phân kỳ đã đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ VN tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến quy định pháp luật hiện hành, phương án tổ chức giao thông, quy trình vận hành khai thác, định mức bảo dưỡng thường xuyên, công tác tuần đường, công tác trực cứu hộ, cứu nạn...đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác các tuyến đường bộ cao tốc trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng", Bộ GTVT cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận