Hạ tầng

Vì sao cấp thiết làm cao tốc Bắc - Nam?

08/11/2016, 07:09
image

Gấp rút đầu tư một tuyến cao tốc để đảm đương được nhu cầu vận tải Bắc-Nam trong khoảng 5-10 năm tới.

1

Mật độ phương tiện trên nhiều đoạn QL1 Thanh Hóa - Hà Tĩnh đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây - Ảnh: Văn Thanh

Trong khi việc đầu tư cho đường sắt vô cùng tốn kém, hàng không chủ yếu đáp ứng nhu cầu vận tải khách còn đường biển chưa phát huy được lợi thế, việc cần làm ngay lúc này là gấp rút đầu tư một tuyến cao tốc để đảm đương được nhu cầu vận tải Bắc - Nam trong khoảng 5-10 năm tới.

Kỳ 1: Lưu lượng tăng nhanh, QL1 sẽ quá tải

Tuyến QL1 vừa hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng nhưng do lưu lượng phương tiện tăng nhanh nên chỉ một thời gian ngắn tại nhiều đoạn tuyến đã có dấu hiệu quá tải, trong khi đường Hồ Chí Minh chỉ là phương án dự phòng cho QL1. Vì thế, nếu tuyến cao tốc Bắc - Nam không được đầu tư để hoàn thiện thì trong tương lai không xa QL1 sẽ quá tải trầm trọng.

Lưu lượng phương tiện tăng

Cảm nhận về sự gia tăng phương tiện trên tuyến QL1, anh Lê Trung Thành, tài xế xe BKS 36C-165.77 (thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) thường xuyên lái xe chở hàng từ Thanh Hóa đi các tỉnh phía Bắc cho biết, sau khi QL1 mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, hiện mật độ xe trên tuyến ngày càng đông. Có khi chỉ xảy ra một vụ va chạm nhỏ là xe cộ phải xếp hàng chờ cả tiếng. “Xe tôi chở hàng nhiều hôm bị lãnh đạo phê bình vì bên mua hủy đơn hàng do chậm bốc hàng lên tàu. Vì thế, cứ đường nào thông thoáng, chúng tôi chọn đi để kịp giờ giao hàng. Nay từ Thanh Hóa ra Hà Nội mất 4 - 5 tiếng nhưng nếu có cao tốc chúng tôi chỉ chạy khoảng 3 tiếng. Như vậy, vẫn có lợi, đỡ hao mòn lốp, đỡ tốn dầu mà lượt vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên”, anh Thành chia sẻ.

"QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ vừa được đầu tư mở rộng, nâng cấp với quy mô 4 làn xe có đặc thù là giao thông hỗn hợp, dân cư sinh sống dọc hai bên, tốc độ khai thác thấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng TNGT. Hơn nữa, theo dự báo đến năm 2020 nhiều đoạn tuyến trên QL1 như: Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Bình Thuận, Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi… sẽ đạt lưu lượng trên 30 nghìn xe/ngày đêm. Các tuyến đường này chỉ có thể đảm đương năng lực vận tải đến năm 2020, còn từ sau năm 2020 sẽ bị mãn tải”.

Ông Lê Đỗ Mười
Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc HTX vận tải Thăng Long (Thanh Hóa) có 10 xe khách chất lượng cao chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội cho biết, hiện nay, trung bình xe chạy từ Thanh Hóa ra Hà Nội nếu không dừng nghỉ mất khoảng 3 tiếng giờ, vẫn đảm bảo việc quay vòng xe chiều đi và về trong ngày. Thế nhưng, nếu có tuyến cao tốc Bắc - Nam, các nhà xe sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Tâm lý hành khách muốn “đi sớm về nhanh” mà giá vé không quá chênh lệch. Vì thế, có đường cao tốc, không chỉ thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải mà còn đảm bảo tốt hơn nhu cầu của người dân”, ông Quang cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông về tình hình trên tuyến, Đại tá Lương Xuân Bốn, Phó phòng CSGT Thanh Hóa cho biết: “Trước khi tuyến QL1 được nâng cấp, mở rộng rất hay xảy ra ùn tắc kéo dài. Đến năm 2016, do được nâng cấp nên ít ùn tắc hơn, TNGT cũng giảm nhiều. Tuy nhiên, qua khảo sát trên tuyến, hiện nay có quá nhiều điểm mở dải phân cách, đường ngang qua tuyến QL1 gây mất ATGT trong khi tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông tăng lên khiến vấn đề đảm bảo ATGT gặp nhiều khó khăn. Hiện đã xuất hiện tình trạng ùn ứ”.

Theo số liệu thống kê của Cục QLĐB II (Tổng cục Đường bộ VN) tại lý trình Km 299+260 (QL1 qua thị trấn Hà Trung, Thanh Hóa) theo hướng Bắc - Nam từ ngày 5 - 7/10, bình quân có tới 18.334 xe ô tô ngày đêm lưu thông, so với cùng kỳ năm 2015, tăng hơn 1 nghìn xe.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, cho biết, sau khi QL1 được nâng cấp, đưa vào hoạt động, Nghệ An đang tăng cường kêu gọi và thu hút đầu tư. Thời gian tới, nhiều dự án khu công nghiệp, nhà máy được triển khai như: KCN VISIP, Cụm cảng Cửa Lò, KCN Hamarjai, Nhà máy Xi măng The Vissai Sông Lam... Khi các nhà máy, KCN đi vào hoạt động, áp lực về hạ tầng giao thông sẽ càng nặng nề. Vì vậy, việc sớm đầu tư thêm các tuyến giao thông trục dọc như: Cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy thông thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Xem thêm video:

2

Lưu lượng phương tiện trên QL1 đoạn Diễn Châu - Quán Hành (Nghệ An) đã tăng nhiều so với trước đây - Ảnh: Văn Thanh

Chỉ 5 năm tới, QL1 sẽ mãn tải?

Theo thống kê của Công ty TNHH 2TV CIENCO4 - TCT 319, lưu lượng xe qua Trạm thu phí BOT QL1 đặt tại TX Hoàng Mai (Nghệ An) vào tháng 5/2015, trung bình 9.463 lượt phương tiện/ngày. Tuy nhiên, đến tháng 5/2016, lưu lượng phương tiện qua trạm đã tăng 19%, trung bình mỗi ngày có 10.185 lượt ô tô các loại đi qua trạm thu phí này. Như vậy, có thể thấy mức độ lưu lượng phương tiện gia tăng hàng năm rất lớn. Nếu chỉ giữ nguyên mức tăng trưởng này trong 5 năm tới, chắc chắn QL1 sẽ lại rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ, “hiện hệ thống giao thông trục dọc ở Nghệ An mới chỉ có 2 tuyến chính là QL1 và đường Hồ Chí Minh nên lưu lượng phương tiện và hàng hóa lưu thông qua đây rất lớn. Riêng QL1, sau gần 2 năm đầu tư nâng cấp, mở rộng, đến nay trên một số đoạn đã bắt đầu có dấu hiệu ùn tắc, quá tải. Nếu trong 5 năm tới không đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam, chắc chắn QL1 sẽ quay trở lại tình trạng ùn tắc như ban đầu”.

Ông Huỳnh Bảo Linh, Giám đốc Công ty CP ĐTXD Thiên Tân (nhà đầu tư dự án BOT QL1 Quảng Ngãi) cho biết, lưu lượng phương tiện trên QL1 qua Quảng Ngãi tăng rất nhanh. So với Trạm thu phí Đức Phổ (thu tuyến tránh QL1 qua Đức Phổ, Quảng Ngãi) hiện lưu lượng xe qua trạm mới hoàn vốn dự án BOT QL1 Thiên Tân - Thành An và tuyến tránh Đức Phổ tăng khoảng 20%. “Lưu lượng xe qua trạm chưa quá tải và nằm trong tính toán khi lập dự án nhưng với xu thế này, những năm tới áp lực phương tiện trên QL1 sẽ gia tăng”, ông Linh nói.

Theo Trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng PC67 Đà Nẵng, trên địa bàn đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe đường dài chạy vào trung tâm thành phố và tuyến tránh Nam Hải Vân. Xảy ra tình trạng này là do xe Bắc - Nam không có tuyến đường riêng để lưu thông, buộc phải chạy cùng với các phương tiện khác gây nguy hiểm. “Sớm đưa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào sử dụng sẽ giúp QL1 và tuyến tránh qua địa bàn thông thoáng, đồng thời rút ngắn thời gian xe đường dài di chuyển qua mỗi địa phương”, Trung tá Thương cho hay.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, theo kết quả số liệu dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Tuy nhiên, theo tính toán, tổng năng lực các loại phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2020 chỉ đạt 39,45 triệu hành khách/năm, trong đó năng lực vận tải hàng không đạt khoảng 17,74 triệu hành khách/năm, đường sắt hiện tại khổ 1.000mm năng lực vận chuyển hành khách sau khi nâng cấp cũng chỉ đạt khoảng 2,27 triệu hành khách/năm, năng lực QL1 và đường Hồ Chí Minh đạt khoảng 19,34 triệu hành khách/năm.

“Như vậy, đến năm 2020 nếu không xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nhu cầu vận tải trên hành lang này chỉ riêng đối với vận tải hành khách sẽ bị vượt quá nhu cầu 5,92 triệu hành khách/năm”, ông Sơn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.