Thi công cầu vượt nút giao Dầu Giây
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu vượt tại nút giao ngã tư Dầu Giây.
"Dự án đầu tư công trình khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Đồng Nai - Lâm Đồng theo hình thức BT được xây dựng hoàn thành từ tháng 4/2015. Sau khi dự án hoàn thành, còn dư vốn, UBND tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung xây dựng hạng mục nút giao Dầu Giây và tuyến tránh TP.Bảo Lộc để tạo điều kiện phát triển đô thị khu vực thị trấn Dầu Giây và TP.Bảo Lộc, trong đó UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết bổ sung phần vốn nếu còn thiếu", Bộ GTVT thông tin.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt bổ sung 2 hạng mục vào dự án và triển khai thực hiện từ năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc do việc quản lý đất hành lang đường bộ qua nhiều thời kỳ có thay đổi, nên người dân không chấp thuận phương án bồi thường, dẫn đến công tác GPMB kéo dài gần 3 năm.
Đến tháng 8/2020, UBND huyện Thống Nhất mới bàn giao mặt bằng còn lại cho dự án, làm tăng kinh phí GPMB và tổng mức đầu tư dự án (UBND tỉnh Đồng Nai đã duyệt điều chỉnh chi phí GPMB tăng từ 16,75 tỷ đồng lên 139,57 tỷ đồng); Dự án không được hoàn thuế VAT khoảng 360 tỷ đồng, theo phương án tài chính của dự án do Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, dẫn đến thiếu vốn.
Trước đó, ngày 3/7/2019, Bộ GTVT đã có Văn bản 6219 đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung vốn 183,8 tỷ đồng còn thiếu cho dự án theo nội dung cam kết của UBND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, ngày 26/10/2020 UBND tỉnh Lâm Đồng mới có Văn bản 8654 về việc thống nhất bố trí 183,88 tỷ đồng từ ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 cho dự án.
Theo Bộ GTVT, đoạn QL1 và QL20 khu vực nút giao Dầu Giây có bề rộng mặt đường nhỏ (12 - 16m) và lưu lượng xe rất cao. Để đảm bảo an toàn giao thông khu vực, Bộ GTVT đã phê duyệt thiết kế xây dựng mở đường đảm bảo giao thông với bề rộng lớn hơn đường cũ và chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với CSGT, chính quyền địa phương xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm theo phương án được chấp thuận.
Ngay sau khi địa phương bàn giao mặt bằng còn lại cho dự án (ngày 10/8/2020), Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo nhà đầu tư thu xếp ứng vốn và triển khai thi công ngay.
“Hiện nhà thầu đang tập trung cao độ thi công, đồng thời phối hợp chặt chẽ với CSGT và các cơ quan liên quan của địa phương thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường để đảm bảo giao thông và hạn chế tối đa ảnh hưởng đời sống của người dân khu vực nút giao Dầu Giây”, Bộ GTVT cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận