Quản lý

Vì sao chậm tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan?

06/08/2024, 11:41

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng nêu ra 7 lý do khiến việc bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan bị chậm.

Sáng 6/8, tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2024 của UBND TP Đà Nẵng, ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thông tin về tình hình giải tỏa, đền bù cho dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.

Ông Chương cho hay, tuyến cao tốc có tổng chiều dài gần 11,5km, có 1.216 hồ sơ và 3.275 ngôi mộ cần giải tỏa là con số không hề nhỏ.

Vì sao chậm tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan?- Ảnh 1.

Một đoạn dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.

"Chưa có dự án nào đẩy nhanh tiến độ như dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, việc chậm tiến độ GPMB là do yêu cầu quá khắt khe của Trung ương đối với thành phố", ông Chương nói.

Ông Chương cho biết, việc GPMB cho dự án cao tốc này có 7 vướng mắc.

Vướng mắc đầu tiên là văn bản pháp lý đủ cơ sở triển khai thực hiện chậm, bắt đầu từ tháng 1/2024 mới bắt đầu tiếp quản hồ sơ dự án.

Vướng mắc thứ hai là sức ép về tiến độ, ban đầu Chính phủ cho hạn GPMB là 30/9/2024 nhưng sau đó quyết xuống còn 30/6/2024. 

Vướng mắc thứ ba là khối lượng hồ sơ cần giải tỏa cho dự án rất lớn và cùng lúc cho cả tuyến chính cao tốc và đường gom 2 bên cao tốc.

"Vướng mắc thứ tư là thiếu đất tái định cư. Trên tuyến hiện nay có 272 hồ sơ đất ở với nhu cầu gần 792 lô đất tái định cư. Tuy nhiên, các dự án triển khai để giải quyết đất tái định cư còn chậm. Đây là điểm nghẽn rất lớn để hội đồng GPMB huyện Hòa Vang vận động người dân bàn giao đất", ông Chương nói.

Theo ông Chương, vướng mắc thứ năm là xã Hòa Sơn không có đất tái định cư, còn người dân xã này đa phần là người công giáo muốn tái định cư tại chỗ để sinh hoạt tín ngưỡng, đây cũng là trở ngại lớn trong quá trình vận động người dân.

Vướng mắc thứ sáu là trước đây có nhiều dự án dọc tuyến cao tốc đã thu hồi đất nên cần nhiều thời gian để truy xuất các hồ sơ cũ nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, không đền bù chồng đối với phần diện tích đã thu hồi.

"Vướng mắc cuối cùng là số lượng mộ cần di dời rất lớn và việc này phải đạt được sự đồng thuận của người dân, mộ thì không thể cưỡng chế được", ông Chương cho hay.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết thêm, đến hết 30/6, đã có 10,05km/11,47km cho dự án cao tốc. Với mặt bằng đã bàn giao, đảm bảo cho nhà thầu thi công đến hết năm 2024.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.