Thế giới

Vì sao Châu Phi rất khó thoát vòng xoáy vay nợ nước ngoài?

11/05/2020, 06:32

Không chỉ Trung Quốc mà cả các nước phương Tây cũng đều sử dụng nợ làm “quả bóng chính trị” để áp đặt quyền lực với châu Phi.

img
Dịch Covid-19 khiến tình hình tài chính châu Phi đã khó khăn càng thêm trầm trọng

Lâu nay, truyền thông phương Tây luôn chỉ trích Trung Quốc sử dụng những khoản nợ đầm đìa của châu Phi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, làm cái bẫy để gia tăng quyền lực.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không chỉ riêng Trung Quốc mà cả các nước phương Tây cũng đều sử dụng nợ làm “quả bóng chính trị” để áp đặt quyền lực với lục địa này.

“Trung Quốc không phải nước duy nhất gài bẫy nợ”

Báo Bưu điện Hoa Nam dẫn lời Giáo sư nghiên cứu về toàn cầu tại Đại học Doshisha ở Kyoto, Nhật Bản, ông Seifudein Adem cho biết, nợ quốc gia của châu Phi đang phồng lên như bong bóng và là nỗi đau đầu lớn nhất đối với nhiều quốc gia trong khu vực ngay từ trước đại dịch Covid-19. Đến nay câu chuyện lại trở thành trung tâm chú ý sau khi các nước châu Phi kêu gọi thế giới cứu trợ và xóa nợ với tổng giá trị khoảng 100 triệu USD nhằm giúp họ đối phó với tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Mỗi lần nhắc đến nợ tại khu vực này, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đều nhắm tới “chủ nợ” lớn nhất thế giới đó chính là Trung Quốc đồng thời đổ lỗi cho Bắc Kinh khiến tình trạng vay nợ của châu Phi thêm trầm trọng.

Trong một phát ngôn gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa chỉ trích: “Trung Quốc đã áp những khoản nợ khổng lồ trên toàn bộ khu vực châu Phi”.

Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2018, nợ nước ngoài dài hạn của các nước châu Phi lên tới 493,6 tỉ USD, cao hơn gấp đôi so với số nợ 232,7 tỉ USD của họ trong năm 2010.

Trung Quốc chưa bao giờ công bố dữ liệu về các khoản cho vay nước ngoài nhưng theo thống kê từ Sáng kiến Nghiên cứu châu Phi Trung Quốc tại Khoa Nghiên cứu quốc tế, Đại học Johns Hopkins ở Washington, Bắc Kinh đã cho 49 quốc gia, cũng như các công ty quốc doanh tại đây vay hơn 143 tỉ USD trong thời gian từ năm 2000 - 2017.

Song, ông Stephen Chan, Giáo sư đến từ Khoa Nghiên cứu châu Phi và Phương Đông của Đại học London, Anh cho rằng, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất khai thác nhu cầu tài chính của châu Phi để làm lợi cho mình.

“Cuộc chiến giành ảnh hưởng với châu Phi diễn ra hàng thập kỷ nay. Từ lâu, phương Tây đã cho các nước châu Phi vay mượn và nhận công lao nên dù cuối cùng họ có chấp nhận xoá nợ thì lãi suất mà các quốc gia châu Phi trả cũng đã đáng kể”, ông Chan nói.

Ông David Shinn, cựu Đại sứ Mỹ tại Ethiopia và Burkina Faso đồng thời là Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Washington cho biết, hầu hết trợ cấp của Mỹ và châu Âu với châu Phi đều được thực hiện theo hình thức không hoàn lại nên chính phủ phương Tây không nắm giữ nhiều nợ của khu vực châu Phi.

Trong số dư nợ hiện tại của khu vực này, khoảng 20% giá trị đến từ chính phủ Trung Quốc, 13% là từ nhiều quốc gia khác bao gồm một số nước phương Tây, Ả-rập, Nhật Bản và khoảng 35% đối với các tổ chức tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi.

Vòng tuần hoàn vay - trả không dứt

Hiện nay, đã có nhiều nước kêu gọi xoá nợ cho châu Phi, trong đó, từ cuối tháng trước, quan chức phụ trách các vấn đề ngoại giao của Liên minh châu Âu ông Josep Borrell cho biết, nhóm các nước phát triển G20 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thông báo một bản ghi nhớ nợ cho các quốc gia nghèo nhất. Quyết định này chắc chắn sẽ giúp nhiều quốc gia thở phào.

Song, theo ông Josep Borrell, chừng đó là chưa đủ, “tất cả các quốc gia cho vay bao gồm Trung Quốc cần hành động để xoá nợ”.

Nhóm G20 đã phản ứng bằng cách đồng ý tạm ngừng nghĩa vụ thanh toán nợ chính thức đối với một số quốc gia nghèo nhất thế giới trong đó có các nước ở châu Phi.

Về phía Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thông báo thể hiện rõ quan điểm rằng, họ chưa bao giờ có ý định dồn ép bất cứ quốc gia nào phải thanh toán nợ vào cảnh khó khăn tài chính, nhưng Bắc Kinh sẽ chỉ xoá nợ dựa trên đánh giá từng trường hợp.

Theo ước tính của nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh đã xoá hầu hết các khoản nợ không lãi suất cho châu Phi nhưng số tiền đó chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng nợ của châu Phi đối với Trung Quốc. Phần nợ còn lại buộc phải trả theo hình thức vay thương mại hoặc ưu đãi.

Theo nhận định của ông Seifudein Adem, vị giáo sư đến từ Ethiopia, ông không thực sự tin tưởng vào ý đồ đằng sau động thái xoá/giãn nợ cho châu Phi. “Có lẽ là bởi thực tế, theo tình hình hiện tại nếu các nước cho vay cố thúc ép, các quốc gia nghèo sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tuyên bố vỡ nợ”, ông Adem nói.

Mặt khác, quyết định giãn nợ lần này của G20 không phải là lần đầu tiên. Trước đó, từ năm 2006, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã phát động sáng kiến xoá phần lớn nợ cho những nước khó khăn nhất thế giới bao gồm số tiền trị giá 76 tỉ USD của 31 quốc gia châu Phi. Song, chính sáng kiến này lại tạo ra không gian cho các quốc gia bắt đầu các khoản vay mới, hầu hết là từ các chủ nợ Trung Quốc và châu Âu.

Ông Stephen Chan, Giáo sư đến từ Khoa Nghiên cứu châu Phi và Phương Đông của Đại học London cho rằng, mục đích duy nhất của các quốc gia giàu có đó chính là tạo ra một vòng tuần hoàn vay - trả không bao giờ chấm dứt.

“Cách thức đó tạo ra rất nhiều lợi nhuận nên các bên liên quan đều hướng tới mục đích đẩy các đối thủ ra khỏi thị trường cho vay. Đó là lý do chính của việc giãn/xoá nợ chứ không hẳn là từ thực tâm. Họ xoá nợ nhưng không chấm dứt sự phụ thuộc về tài chính của các nước châu Phi”, theo ông Chan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.