Sau khi xác minh, ngày 9/4, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên- Huế đã bàn giao lại cho sở hữu 2/3 cây khủng như "quái thú" |
Ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên- Huế) cho biết, sau khi xác minh, ngày 9/4 Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên- Huế đã trả lại hồ sơ 2 cây khủng như “quái thú” cho chủ sở hữu là ông Kiều Văn Chương (SN 1986, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Ông Kiệm cho biết, đây là 2 cây đa sộp có nguồn gốc rõ ràng và hồ sơ đầy đủ, đã được kiểm lâm và chính quyền địa phương xác nhận đúng nguồn gốc theo hồ sơ ông Chương cung cấp cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đó, Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế trả lại và chủ cây có thể đưa 2 cây này đi.
Cây... đa sộp "khủng" nhất trong số 3 cây bị tạm giữ tại Thừa Thiên- Huế |
Sau khi hạ tải và bị tạm giữ để truy nguồn gốc, cây "khủng" nhất này được đánh dấu số 3 |
2 cây đa sộp “khủng” trên được khai thác trên đất của hộ gia đình tại xã Ea Pil (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) và buôn Ê Cam (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk).
Cây còn lại, ông Chương cho biết khai thác ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, Đắk Lắk). Theo ông Đặng Văn Kiệm, hồ sơ đang được Đội Kiểm lâm đặc nhiệm của Cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên- Huế và Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk vào tận nơi để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông sáng 8/4, ông Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn cho biết, phía doanh nghiệp không tiếp tục vận chuyển 3 cây này. "Quan điểm của doanh nghiệp là… khi nào xin được giấy phép chở cây thì chở, không xin được thì thôi", ông này nói.
Cây... đa sộp "khủng" thứ 2 trong số 3 cây cổ thụ bị tạm giữ tại Thừa Thiên- Huế |
Liên quan đến vụ việc, chiều 6/4, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết vừa nhận được báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk về việc xác minh nguồn gốc 3 cây cổ thụ đang bị tạm giữ tại Thừa Thiên- Huế. Qua xác minh, có 1 bộ hồ sơ không đúng với thực tế.
Theo thông tin từ Công an TX Hương Thủy, ông Kiều Văn Chương - chủ sở hữu 3 cây trên cho biết, sau khi được người quen giới thiệu, ông Chương mua cây của người dân Đắk Lắk với giá lần lượt là 20 triệu đồng, 15 triệu đồng và 14 triệu đồng.
Cây... đa sộp "khủng" nhỏ nhất này được "đeo" số 1. Được biết, đây cũng là "lão" cổ thụ đang được lực lượng Kiểm lâm vào tận nơi để tiếp tục xác minh làm rõ nguồn gốc |
Các hộ dân làm đơn xin chính quyền xã khai thác và được đồng ý, ông Chương bỏ tiền thuê người khai thác cây với tiền công 7 triệu đồng/cây, chưa tính tiền xe múc đào đất khoảng vài triệu đồng/cây.
Sau khi khai thác, ông Chương thuê Công ty TNHH cơ khí Hải Sơn vận chuyển cây từ Đắk Lắk ra Thạch Thất (Hà Nội) với giá 35 triệu đồng/cây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận