Đất đền bù giảm, chi phí tăng
Theo Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai, trước đó trong báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án thành phần 1 và 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là khoảng 5.000 tỷ đồng (dự án thành phần 1 là hơn 2.800 tỷ đồng còn dự án thành phần 2 gần 2.200 tỷ đồng).
Tuy nhiên thời gian qua, sau khi rà soát hồ sơ, đối chiếu các quyết định phê duyệt giá đất cho thấy kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 1 và 2 đều tăng mạnh so với báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trong đó, dự án thành phần 1, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng hơn 1.066 tỷ đồng. Còn dự án thành phần 2, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng hơn 1.019 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án này còn cho biết, mặc dù kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng nhưng diện tích đất phải bồi thường so với báo cáo nghiên cứu khả thi giảm 19,96ha.
Nguyên nhân giảm diện tích đất phải bồi thường là do có nhiều diện tích đất công (đất này chỉ bồi thường tài sản trên đất và không được bồi thường, hỗ trợ về đất).
Về nguyên nhân khiến kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng, Ban QLDA cho biết, chủ yếu do giá đất bồi thường, bồi thường về nhà, tài sản, vật nuôi trên đất và chi phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đều tăng. Dẫn đến giá bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng.
Giá đất thực tế cao hơn nghiên cứu khả thi
Ban QLDA đưa ra dẫn chứng, cụ thể về bồi thường đất phi nông nghiệp, tại các quyết định phê duyệt dự án đầu tư, giá đất ở bồi thường được áp dụng theo giá đất ở đô thị thuộc vị trí 2 (đoạn đi qua thành phố Biên Hòa) và giá đất ở nông thôn giữa vị trí 2 và vị trí 3 (đoạn qua huyện Long Thành) của QL51.
Như vậy giá đất sẽ dao động từ 2,3-4 triệu đồng/m2 đối với với khu vực huyện Long Thành và 5-7 triệu đồng/m2 đối với khu vực thành phố Biên Hòa.
Nhưng thực tế, ở các quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường dự án thành phần 1 và 2, giá đất các vị trí tương ứng đều cao hơn so với giá đất được áp dụng trong báo cáo nghiên cứu khả thi.
Giá bồi thường đất nông nghiệp tại các quyết định phê duyệt cũng cao hơn so với giá đất được áp dụng trong báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ngoài ra qua rà soát, Ban QLDA cũng xác định số lượng nhà xây dựng trên đất nông nghiệp ở địa bàn các xã, phường lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê. Trong đó, nhiều nhất xảy ra tại các phường Phước Tân, Tam Phước của thành phố Biên Hòa.
Bên cạnh đó kinh phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đường điện, nước của hai dự án thành phần cũng đều tăng hơn so với các quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Theo ông Nguyễn Hồng Quế, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh, số liệu kiểm kê thực tế các công trình hạ tầng, kỹ thuật điện, nước bị ảnh hưởng bởi dự án ngoài thực tế tăng hơn nhiều so với số liệu được lập trong các báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng. Toàn tuyến có điểm đầu nối với tuyến tránh QL1 đoạn qua thành phố Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km và điểm cuối tại nút giao với QL56 thuộc địa phận thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chiều dài toàn tuyến 53,7km, trong đó đoạn qua Đồng Nai 34,2km còn qua Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5km). Quy mô đầu tư giai đoạn 1, 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến. Giai đoạn hoàn thiện mở rộng 6-8 làn xe cao tốc.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km 0+00 - Km 16+00) do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản với chiều dài khoảng 16km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 2 (Km 16+00 - Km 34+200) do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản với chiều dài khoảng 18,2km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 3 (Km 34+200 - Km 53+700) do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản với chiều dài khoảng 19,5km, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận