Người dân mong chờ
Theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (có hiệu lực thi hành từ 1.4.2020), trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.
Lắp camea giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh, chất lượng dịch vụ, giám sát được lái xe trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp. - Ảnh minh họa
Quy định này nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân cũng như chuyên gia trong ngành bởi đây là một giải pháp quan trọng giúp việc quản lý, ngăn ngừa và xử lý sai phạm diễn ra tốt hơn.
Chị Phương Loan (Hà Nội) bày tỏ, việc lắp camera trên xe khách, xe vận tải sẽ khiến các tài xế có ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông. Hành khách khi ngồi trên tạo cảm giác an toàn, yên tâm hơn. Đặc biệt trong mùa dịch, camera giám sát sẽ giúp dễ dàng truy vết các trường hợp F0, F1 khi ngồi trên xe; Đồng thời có thể giám sát cả lái xe và hành khách chấp hành quy định phòng dịch, nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn...
Anh Trần Quang Thanh (Thái Bình) cũng bày tỏ sự đồng tình với việc áp dụng quy định này và cho rằng bên cạnh lợi ích với khách hàng và cơ quan quản lý chính này cũng có lợi với các doanh nghiệp vận tải bởi họ có thể giám sát nội bộ, nâng cao chất lượng từ đó giữ chân khách hàng. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, hành khách ít, lái xe dễ có tâm lý chủ quan.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước sau quy định lắp camera vẫn phải thực hiện. Việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn sẽ phục vụ nâng cao an ninh trật tự, ATGT, lợi ích hành khách đi xe và quản lý trong nội bộ đơn vụ vận tải. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc lắp camera giám sát cần thiết hơn bất cứ lúc nào. Môi trường xe chở khách, xe chở công nhân, học sinh... khép kín, bật điều hoà và yếm khí nên dễ lây nhiễm khi có ca nhiễm Covid-19 và rất khó truy vết.
Việc lắp camera giúp chính doanh nghiệp vận tải và nhà nước quản lý từ xa việc đeo khẩu trang, truy vết khi cần. Nhất là khi đã có doanh nghiệp Việt Nam đã miễn phí phần mềm kết nối liên thông với camera để tự động phát hiện ngay và cảnh báo chính xác việc không đeo khẩu trang trên xe. Vì thế, dù chưa đến hạn, nhưng nhiều nhà xe đã chủ động lắp trước để góp sức đẩy lùi đại dịch.
Doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn
Là doanh nghiệp đã lắp camera từ từ lâu, ông Nguyễn Duy Khánh, Trưởng phòng điều hành Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn (Saigon Bus) cho hay từ năm 2015, gần 500 xe bus và xe hợp đồng của doanh nghiệp đã được lắp camera giám sát. Sau hơn 5 năm thực hiện mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp.
“Cùng với đầu tư trung tâm giám sát online, doanh nghiệp không còn phải lo những hành vi mất an toàn trên đường hay lái, phụ xe có thái độ không tốt với hành khách. Lắp camea giám sát trên các xe kinh doanh vận tải sẽ giúp quản lý của doanh nghiệp hiệu quả, hành khách cũng được đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng dịch vụ, Nhà nước cũng làm tốt việc hậu kiểm”, ông Khánh nói.
Dù chưa có con số thống kê chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng bên cạnh việc tự giác chấp hành của một số doanh nghiệp, đa số chủ doanh nghiệp vẫn còn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị camera giám sát. Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nguyên nhân chính là do đang ngóng chờ các kiến nghị lùi thời gian xử phạt.
Là doanh nghiệp có hơn 100 đầu xe tải vận chuyển hàng hóa, ông Lê Thanh Hùng, Trưởng phòng nhân sự Công ty cổ phần Express Thành Đạt cho rằng, những lợi ích của camera phục vụ quản lý vận tải là chủ trương đúng để đảm bảo ATGT.
Băn khoăn về giao thức truyền dữ liệu, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải khách Hải Phòng cho hay, các doanh nghiệp đã xác định trước hay sau vẫn phải lắp theo quy định. Tuy nhiên, họ đang trông chờ có quy chuẩn thiết bị camera, quy cách lắp camera và cách thức truyền về máy chủ của đơn vị quản lý.
“Một vài đơn vị đã lắp đặt trước đây để phục vụ quản lý nhưng lo lắng dữ liệu truyền có phù hợp hay phải tháo bỏ lắp thiết bị khác sẽ rất tốn kém. Hiện trên địa bàn TP Hải Phòng có khoảng hơn 1.000 xe khách, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đúng quy định”, ông Hải cho biết.
Nhiều người không tuân thủ đeo khẩu trang khi đi xe được camera phát hiện
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trên cơ sở hệ thống dữ liệu đang có, Tổng cục Đường bộ VN đã phối hợp với các đơn vị công nghệ hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hệ thống tiếp nhận dữ liệu. Trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động và có thể tiếp nhận dữ liệu doanh nghiệp truyền về.
Tổng cục Đường bộ VN cũng ban hành quy định về chuẩn hình ảnh, dung lượng của ảnh. Tất cả ảnh gửi về hệ thống sẽ tính toán, kiểm soát theo chuẩn này. Chất lượng hình ảnh, kỹ thuật truyền, các giải pháp truyền hình ảnh, định dạng, giao thức truyền đã được Tổng cục Đường bộ VN hoàn thiện và công bố.
Liên quan đến quy chuẩn của camera được lắp đặt, ông Đỗ Công Thủy cho biết, khác với thiết bị giám sát hành trình, camera sẽ không có quy chuẩn bởi thiết bị này đã theo chuẩn quốc tế.
“Tổng cục Đường bộ VN chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra đảm bảo giảm chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vận tải truyền hình ảnh chuẩn theo đầu ra này sẽ tiếp nhận dữ liệu và xác nhận. Nếu quy định chuẩn camera riêng cho Việt Nam sẽ không phù hợp với chuẩn camera phát triển theo ngày của thị trường quốc tế”, ông Thủy nói.
Giá camera trên thị trường bao nhiêu?
Tìm hiểu của PV, giá thiết bị camera hiện nay khoảng 4 - 5.5 triệu đã gồm cả dịch vụ trọn gói năm đầu. Các năm tiếp theo đơn vị chỉ cần phải trả 100.000đ/tháng cho mỗi xe để duy trì simcard và máy chủ.
Các nhà cung ứng camera cũng cho biết, do lắp camera góc nhìn rộng nên đáp ứng cho tất cả loại xe, kể cả xe khách cỡ lớn mà không phải lắp thêm mắt camera. Trường hợp doanh nghiệp vận tải muốn lắp nhiều mắt camera để quản lý thì trả thêm dưới 1 triệu/mắt, muốn quản lý nhiên liệu thì lắp thêm cảm biến đo mức... tùy thuộc nhu cầu quản lý nâng cao của doanh nghiệp vận tải đó.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chỉ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, hơn 1 năm trước, có nhiều doanh nghiệp cung ứng nên giá không khá rẻ so với hơn 1 năm về trước. Cụ thể, khảo sát các nhà cung ứng camera hiện nay giá chỉ khoảng 4-5.5 triệu thiết bị, trọn gói phí duy trì đường truyền simcard và máy chủ chỉ 100.000 đồng/tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận