Chiều 30/7, tại cuộc họp báo về công tác tư pháp quý II/2019, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã trả lời báo chí về vấn đề pháp lý liên quan việc thu hồi tài sản đối với cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà sau khi ông này tử vong trong quá trình điều tra.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, với trường hợp vụ án liên quan đến ông Trần Bắc Hà, “bây giờ chưa có bản án thì cơ quan thi hành án chưa có căn cứ để thu hồi”.
Ông Sơn cho biết, vấn đề thu hồi tài sản cho Nhà nước trong những vụ việc như thế này không chỉ trong giai đoạn thi hành án mà ngay trong quá trình điều tra cũng có những biện pháp thu hồi.
“Thu hồi tài sản không chỉ ở khâu thi hành án mà các giai đoạn tố tụng khác cũng có trách nhiệm”, ông Sơn nói và cho biết thêm, cơ quan thi hành án dân sự khi có bản án sẽ thi hành trên cơ sở các quy định pháp luật. Các tài sản đã được áp dụng các biện pháp tạm thời càng nhiều, càng rõ thì khả năng thu hồi càng cao.
Cuối tháng 11/2018, ông Trần Bắc Hà (SN 1956), cựu Chủ tịch HĐQT BIDV bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015. Sáng 18/7, ông Trần Bắc Hà được đưa đến Bệnh viện Quân y 105 cấp cứu, nhưng Bệnh viện xác định ông Hà đã tử vong trước đó.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hoà Lợi, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong trường hợp bị can đang bị điều tra, truy tố, xét xử qua đời thì các cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ điều tra, truy tố hoặc xét xử đối với bị can đó.
Trường hợp ông Trần Bắc Hà đang trong giai đoạn điều tra mà qua đời, theo quy định tại điều 157 và điều 230 Bộ luật hình sự 2015, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Bắc Hà.
Tuy nhiên, đối với vụ án này, còn nhiều bị can khác nên việc điều tra vụ án, điều tra đối với các bị can khác sẽ vẫn tiếp tục.
Về vấn đề thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh đây là nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có kết hoạch thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm trưởng đoàn để kiểm tra 7 Đảng ủy Ban cán sự đảng, 9 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Hiện nay đang báo cáo với Ban chỉ đạo và đang chờ kết luận chính thức.
Theo ông Sơn, trong 9 tháng vừa qua, kết quả thu hồi tài sản có khởi sắc và khá hơn trước. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hồi tài sản hiệu quả. Đối với những vụ việc khó, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Trung ương họp rồi đưa ra các giải pháp tháo gỡ. “Ở Trung ương, chúng tôi ngoài chỉ đạo thì tự mình kiểm soát chặt, thấy vướng mắc gì thì chủ động chỉ đạo, phối hợp, tháo gỡ. Chúng tôi khẳng định kết quả hiện nay khá hơn. Khi có chỉ đạo chính thức của Ủy ban Trung ương về phòng chống tham nhũng, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể”, ông Sơn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận