Việc chuyển thu phí thành thu giá BOT là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành năm 2015 |
Giá sử dụng dịch vụ do Nhà nước định giá và quản lý
Chiều nay (23/5), trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây, trong Pháp lệnh Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành năm 2001 quy định: Phí bao gồm cả phí dịch vụ công do khu vực nhà nước cung cấp và phí dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp. Tuy nhiên, để khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa, Luật Phí và lệ phí do Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 (hiệu lực thi hành từ 1/1/2017) quy định: Dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp là phí (thu phí), còn dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp là giá (thu giá).
Theo đại diện Vụ Chính sách Thuế, đối với các dự án BOT, BT giao thông cơ bản được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, theo hình thức xã hội hóa, nên phí sử dụng đường bộ (quy định tại Pháp lệnh Phí và lệ phí 2001) được chuyển đổi sang thành giá sử dụng đường bộ (Luật Phí và lệ phí 2015). Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông là những dự án đầu tư có tác động đến xã hội, nên trong Luật Phí và lệ phí đã nêu rõ: Giá sử dụng dịch vụ do Nhà nước định giá và quản lý.
17 loại phí được chuyển thành giá
Cũng theo quy định của Luật Phí và lệ phí 2015, ngoài phí sử dụng đường bộ được chuyển thành giá sử dụng đường bộ, còn 16 loại phí khác được chuyển thành giá sản phẩm dịch vụ, gồm: Thủy lợi phí (chuyển thành: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi), phí chợ (giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ), phí qua đò, qua phà (giá dịch vụ sử dụng đò, phà), phí sử dụng cảng, nhà ga (giá dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga), phí trông giữ xe (giá dịch vụ trông giữ xe), phí kiểm dịch y tế (giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng…).
Đề cập đến quy định, giá sử dụng dịch vụ đường bộ, đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tại Nghị định 149 của Chính phủ ban hành ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá 2012 nêu rõ: Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.
Như vậy, việc chuyển đổi tên gọi từ thu phí sử dụng đường bộ sang thu giá sử dụng đường bộ hoàn toàn tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận