Nghị định 15 có hiệu lực từ 15/4 siết chặt, xử nghiêm hành vi gửi, phát tán tin nhắn rác. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng vẫn khó xử phạt.
Khách bức xúc, lo lắng vì tin nhắn rác
Trong buổi sáng đầu tuần, anh Nguyễn T.K, chủ nhân số thuê bao 09121xxxxx liên tiếp nhận được gần chục tin nhắn quảng cáo từ dịch vụ cho vay tiền tới các gói cước, sản phẩm mới, khuyến mãi… “Đáng nói, những tin nhắn này thường làm trôi các tin nhắn công việc quan trọng nên hễ khi nào rảnh mình lại phải ngồi xóa hàng loạt mà không biết kêu ai”, anh K. chia sẻ.
Theo anh K, rất khó phân biệt đâu là tin nhắn rác, đâu là tin nhắn quảng cáo hợp lệ của nhà mạng. “Nhiều tin nhắn quảng cáo có để lại thông tin hướng dẫn người dùng nhắn tin theo cấu trúc để từ chối nhận song không phải tất cả. Tuy nhiên, mình chỉ thấy bị làm phiền chứ chưa mất gì nên cũng kệ, xóa đi cho xong, không phản ánh tới nhà mạng”, anh K. cho hay.
Nghị định số 15 chưa có chế tài để xử lý các cá nhân, doanh nghiệp trực tiếp hoặc dùng phần mềm điện thoại tiếp thị, quảng cáo. Các chế tài này sẽ được bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/2008 về chống thư rác mà hiện nay Bộ TT&TT đang xây dựng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hương, chủ thuê bao (096618xxxx) thi thoảng lại phải dành thời gian xóa bớt tin nhắn quảng cáo. “Cứ đầu tháng, những tin nhắn dịch vụ cho vay tiền lại xuất hiện mà tôi chưa hề đăng ký hay quan tâm tới việc vay vốn bao giờ. Lạ hơn nữa, mới đây, ngay sau khi sinh con, tôi nhận được tin nhắn từ số lạ mời chào dịch vụ tắm cho bé tại nhà, thông tắc tia sữa cho mẹ… Không hiểu sao họ lại có số điện thoại kèm theo thông tin về tôi?”, chị Hương bày tỏ băn khoăn và lo lắng.
“Tại sao khi chưa được mình cho phép, các tin nhắn mời chào quảng cáo dịch vụ vẫn cứ “khủng bố” mình, để rồi sau đó lại phải mất công phản ánh hoặc nhắn tin từ chối”, chị Hương bức xúc và đặt vấn đề: “Nếu lỡ con trẻ sờ vào điện thoại của bố mẹ kích hoạt lung tung thì lại chuốc thêm rắc rối hoặc mất tiền oan”.
Được biết, từ 15/4/2020, theo Nghị định 15 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, cá nhân, tổ chức có thể bị phạt từ 20-200 triệu đồng với hàng hoạt vi phạm như: Gửi hoặc phát tán tin nhắn rác; Không thực hiện biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác; Tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại, nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung để trục lợi hoặc để cung cấp thông tin, quảng cáo; Không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tới nay, khách hàng các nhà mạng vẫn nhận được tin nhắn chào mời mua bán hàng, sử dụng các dịch vụ, cho vay tiền… thậm chí cả những cuộc gọi có đầu số từ nước ngoài về quấy nhiễu.
Khó xử lý vì sao?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Viettel cho biết, từ 2016, nhà mạng này đã xây dựng hệ thống chặn lọc tin nhắn rác nhằm ngăn chặn gây ảnh hưởng xấu đến khách hàng.
Tương tự, VinaPhone cũng đưa ra cam kết thực hiện nghiêm túc quy định của cơ quan quản lý về tin nhắn rác. “Khi phát hiện các hiện tượng tin nhắn rác, VinaPhone sẽ khóa đầu số, khóa số thuê bao thậm chí cắt hợp đồng với các cá nhân/đối tác vi phạm. Còn đối với khách hàng, khi nhận được tin nhắn rác, có thể phản ánh đến bộ phận chăm sóc khách hàng của VinaPhone theo đầu số 18001091 và các bộ phận chức năng của VinaPhone sẽ xử lý theo quy trình”, đại diện VinaPhone cho hay.
Khi phát hiện hành vi phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, người dân có thể phản ánh về Thanh tra Bộ TT&TT hoặc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) để xử lý vi phạm. Ngoài ra người dân có thể phản ánh bằng cách chuyển tiếp nội dung tin nhắn rác về đầu số 456. “Đây là đầu số miễn phí, chuyên dùng để tiếp nhận tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo cho người dùng di động để phản ánh”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phòng thanh tra Viễn thông và công nghệ thông tin, Bộ TT&TT cho biết.
Cũng theo vị đại diện này, VinaPhone vẫn đang áp dụng chặn tin nhắn rác bằng cách hạn chế 1 thuê bao gửi đi liên tục số lượng lớn tin nhắn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các sim rác gửi tin nhắn đi với số lượng nhỏ và dưới dạng tin nhắn từ cá nhân đến cá nhân thì biện pháp này vẫn chưa chặn được hoàn toàn.
“Chúng tôi gặp phải những trở ngại như: Không có cơ sở xác định đó có phải là tin nhắn mà người dùng không mong muốn nhận hay không? Hoặc có những trường hợp chủ thuê bao cũng có nhu cầu chính đáng khi gửi nhiều tin nhắn cùng nội dung cho nhiều bạn bè, người thân…”, nhà mạng này chia sẻ.
Để phân biệt tin nhắn rác vi phạm hay quảng cáo hợp lệ, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phòng Thanh tra Viễn thông và công nghệ thông tin, Bộ TT&TT khẳng định, bất kể tin nhắn nào mang tính quảng cáo không hợp quy đều bị coi là tin nhắn rác.
“Theo quy định, nội dung quảng cáo được cấp phép dưới dạng tin nhắn hay email đều phải được sự đồng ý trước đó của người nhận. Ngoài ra, những tin nhắn này phải đảm bảo đúng quy cách để toát lên đó là tin nhắn quảng cáo, không gây sự nhầm lẫn, mang tính chất lừa đảo. Đồng thời, nội dung tin nhắn phải có hướng dẫn người nhận từ chối quảng cáo khi cảm thấy không cần thiết để tránh làm phiền. Trong trường hợp khách hàng đã nhắn từ chối mà vẫn nhận được tin nhắn quảng cáo thì hoàn toàn có thể kiện doanh nghiệp viễn thông di động hoặc làm đơn gửi phản ánh lên cơ quan chức năng để xử lý”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên ông Dũng cũng xác nhận, hiện luật vẫn còn thiếu sót khi quy định chưa chặt chẽ hình thức xác nhận tin nhắn quảng cáo. “Hiện, chưa có quy định nào nói rõ hình thức xác nhận của khách hàng. Do đó, khi có khiếu nại, doanh nghiệp, nhà mạng có thể dẫn chứng khách hàng đã xác nhận thông qua tin nhắn, email, điện thoại… Ngoài ra cũng khó xác định hành vi chủ ý để lộ lọt thông tin thuê bao ra bên ngoài nhằm mục đích trục lợi”, ông Dũng dẫn giải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận