Chính phủ nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình khai thác, sử dụng BOT vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. |
Tiếp tục phiên họp thứ 13, sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.
Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT trong giai đoạn 2011-2016 của Chính phủ cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT đã đạt được nhiều kết quả.
Huy động hơn 150 nghìn tỷ vốn đầu tư BOT
Về việc huy động nguồn lực theo hình thức BOT, giai đoạn 2011 - 2016, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2% (các dự án đường bộ 169.813 tỷ đồng/57 dự án). Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ).
Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 15 dự án BOT với tổng mức đầu tư 60.042 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.070 tỷ đồng), trong đó lĩnh vực đường bộ 13 dự án BOT với tổng mức đầu tư 58.682 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.048 tỷ đồng). Cơ bản các dự án triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự, thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành.
Chính phủ cũng đề cập đến hiệu quả của việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giám áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước. “Chính yếu tố này đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Theo nhận định của Chính phủ, việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội được xem xét cụ thể đối với từng dự án ngay từ bước lập dự án đầu tư theo hình thức BOT. Ngoài việc đánh giá hiệu quả tài chính hoàn vốn đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội. Kết quả tính toán của các tư vấn nói chung cho thấy, lợi ích kinh tế - xã hội do dự án mang lại là rất lớn, khi các dự án đưa vào khai thác sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác (giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hoá, thời gian đi lại hành khách...) so với khi công trình chưa được đầu tư nâng cấp.
Mới chỉ kêu gọi được đầu tư trong nước với nguồn lực hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế vì một số công trình sau khi đưa vào khai thác có một số khiếm khuyết về chất lượng như hằn lún vệt bánh xe, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác; Một số dự án do tính chất cấp bách, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nên quá trình thực hiện trình tự thủ tục đầu tư chưa thực sự chặt chẽ.
Bên cạnh đó, có một số trạm thu phí, mặc dù đã được các cơ quan nhà nước và địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật khi lập trạm nhưng sau khi đưa vào hoạt động vẫn còn có những phản ứng trái chiều của người dân về khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lý; có ý kiến cho rằng việc quản lý nguồn thu của các trạm thu phí chưa hiệu quả, có hiện tượng gian lận trong thu phí.
Đặc biệt, chúng ta mới chỉ kêu gọi được nhà đầu tư trong nước với nguồn lực hạn chế mà chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tín dụng nước ngoài.
Nguyên nhân được chỉ ra do quá trình triển khai đầu tư dự án theo hình thức PPP phức tạp hơn hình thức đầu tư công truyền thống.
Đặc biệt, do nhu cầu về đầu tư hạ tầng lớn và cấp bách trong khi khả năng cân đối của ngân sách nhà nước hạn chế, đồng thời quy định của pháp luật hiện hành cho phép áp dụng hình thức hợp đồng BOT cho cả dự án cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông hiện có, nhưng chưa lường hết tác động đến các đối tượng ảnh hưởng.
Trong khi đó, chính sách phí đối với thu phí lượt không thể mang lại công bằng một cách tuyệt đối.
Về phía chủ quan, có phần do các chủ thể tham gia đều chưa có kinh nghiệm; Một số nhà đầu tư đã thực hiện chưa nghiêm các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình; năng lực các nhà đầu tư chưa cao; phê duyệt thiết kế, dự toán chưa chặt chẽ theo quy định pháp luật. Và trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa đánh giá hết tác động đến đối tượng ảnh hưởng, cụ thể việc nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường hiện hữu theo hình thức BOT chưa tính đến người dân không có sự lựa chọn.
Bên cạnh đó, do sự phối hợp chưa tốt giữa các bên, cùng việc một số cơ quan thông tấn báo chí phản ánh chưa toàn diện dẫn đến còn có nhiều cách hiểu khác nhau, gây những phản ứng trái chiều, tiêu cực của người dân.
Để tiếp tục có đủ nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục ưu tiên điều chỉnh vướng mắc các luật (Luật môi trường, Luật giá, Luật doanh nghiệp); tăng mức bố trí vốn cho các dự án công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án quan trọng.
Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường và không áp dụng quy định về nguyên tắc xác định giá “phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ” theo quy định của Luật giá; Bổ sung kế hoạch xây dựng Luật đầu tư công tư.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công khó khăn, đối với các công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, kiến nghị Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đầu tư do Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cho phép Chính phủ được quyết định mức giá dịch vụ ngay trong Báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận