Pháp đình

Vì sao Cục THADS Bình Định phản đối việc bị tuyên bồi thường 55 tỷ?

20/09/2019, 20:10

Cục THADS tỉnh Bình Định cho biết, đang hoàn tất thủ tục kháng cáo sau khi bị tuyên phải bồi thường cho DN số tiền kỷ lục lên đến 55 tỷ đồng.

img
Bị cáo Nguyễn Văn Chánh tại tòa

Có vi phạm thủ tục tố tụng?

Chiều 20/9, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Định, xác nhận cơ quan này đang tiến hành các thủ tục kháng cáo toàn bộ phần dân sự liên quan đến vụ án ông Nguyễn Văn Chánh (41 tuổi, nguyên chấp hành viên Cục THADS tỉnh Bình Định) lĩnh 9 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Cục THADS tỉnh Bình Định bị buộc bồi thường cho doanh nghiệp (DN) Huy Phương hơn 5,6 tỉ đồng, bồi thường cho DNTN Phú Lợi hơn 49,4 tỉ đồng. Đây là vụ án kỷ lục ở Việt Nam hiện nay về số tiền mà nhà nước phải bồi thường về tài sản theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Là bị đơn dân sự trong vụ án hình sự, Cục THADS tỉnh Bình Định cho rằng, việc kháng cáo là do có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng bởi đây là phiên tòa mở lần thứ nhất, tại phiên tòa luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt, bị cáo Chánh đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Vắng 11 người làm chứng dẫn đến không đánh giá được toàn bộ chứng cứ, gây bất lợi cho Cục THADS Bình Định.

Trước đó, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, chiều 18/9 Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt ông Nguyễn Văn Chánh (41 tuổi, nguyên chấp hành viên Cục THADS tỉnh Bình Định) 9 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, buộc Cục THADS tỉnh Bình Định bồi thường cho DN Huy Phương hơn 5,6 tỉ đồng, bồi thường cho DNTN Phú Lợi (cùng ở tỉnh Gia Lai) hơn 49,4 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, tháng 9/2014, TAND tỉnh Bình Định ra bản án buộc DNTN Phú Lợi có nghĩa vụ trả cho Công ty TNHH Thanh Phát hơn 19,2 tỉ đồng. Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định ký quyết định thi hành án, phân công chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh tổ chức thi hành. Ngày 21/8/2015, ông Chánh tổ chức cưỡng chế kê biên kho hàng sắn lát của DNTN Phú Lợi tại KCN Long Mỹ (TP.Quy Nhơn). Thời điểm này, trong kho hàng có hơn 1.600 tấn sắn lát của DN Huy Phương gửi từ tháng 1/2014. Ông Chánh mặc nhiên công nhận số sắn lát của DN Huy Phương là của DNTN Phú Lợi và không xem xét tài liệu do đương sự cung cấp là vi phạm luật THADS.

Hành vi thiếu trách nhiệm của ông Chánh dẫn đến số sắn lát bị giam giữ lâu ngày sụt giảm về số lượng, chất lượng, gây thiệt hại cho DN Huy Phương hơn 5,6 tỉ đồng. Cáo trạng cũng xác định, ông Chánh thiếu trách nhiệm trong việc xác minh sổ sách kế toán, không xác minh đầy đủ tài khoản của DNTN Phú Lợi cũng như tài khoản của vợ chồng ông Lê Viết Chín (chủ DNTN Phú Lợi) tại các ngân hàng là sai quy định của pháp luật. Dẫn đến việc ông Chánh không biết bên trong nhà xưởng của DNTN Phú Lợi tại KCN Long Mỹ đang chứa số lượng lớn sắn lát và hạt ươi không thuộc diện bị kê biên. Khi cưỡng chế kê biên, đã không mở khóa kho hàng của DNTN Phú Lợi mà niêm phong ngay cổng ra vào, không thực hiện theo đúng kế hoạch tổ chức kê biên đã ban hành trước đó là vi phạm luật THADS. Dẫn đến việc DNTN Phú Lợi bị thiệt hại hơn 49,4 tỉ đồng do không xuất được hàng hóa là mì lát và hạt ươi để thực hiện hợp đồng với các công ty khác.

Tuy nhiên khi được hỏi về kết quả phiên xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định cho rằng: “Cục không chấp nhận yêu cầu bồi thường cho 2 doanh nghiệp, vụ án này còn những việc chưa rõ, tòa chưa chứng minh được nên chúng tôi tiếp tục kháng cáo. Chúng tôi mong muốn vụ án sáng tỏ, pháp luật được thực thi đúng người, đúng tội”.

Viện KSND Bình Định nói đúng quy định

img
Bị cáo Nguyễn Văn Chánh bị tuyên phạt 9 năm tù giam

Ngày 20/9, Viện KSND tỉnh Bình Định đã thông tin thêm về bản án Nguyễn Văn Chánh (SN 1978, TP Quy Nhơn) phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, theo Viện KSND tỉnh Bình Định, tại phiên tòa diễn ra vào ngày 17-18/9 vừa qua, hội đồng xét xử đã triệu tập hợp lệ luật sư của bị cáo Chánh, xong luật sư vắng mặt, xét thấy việc vắng mặt của luật sư không ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo cũng như bào chữa cho thân chủ của bị cáo.

Ngoài ra theo điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì bị cáo bị truy tố khung hình phạt 20 năm tù mới bắt buộc phải có luật sư chỉ định nếu vắng mặt luật sư thì sẽ vi phạm nghiêm trọng đến quyền bào chữa của bị cáo, còn trong trường hợp này, bị cáo Chánh bị truy tố ở khung hình phạt 12 năm tù - đây không thuộc trường hợp phải mời luật sư chỉ định. Hơn nữa, tại phiên tòa này, cũng có 1 luật sư bào chữa cho bị cáo nên không ảnh hưởng đến quyền của bị cáo.

Ngoài ra, việc vắng 11 nhân chứng ngày hôm đó vẫn không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì tất cả 11 người này đã có lời khai tại hồ sơ vụ án, nếu cần thiết để làm rõ các tình tiết liên quan vụ án như hành vi phạm tội của bị cáo cũng như xem xét trách nhiệm bồi thường thì tòa án sẽ công bố lời khai để làm rõ. Hơn nữa tại các phiên tòa lần trước (21/6 và 19/7/2019) những người này cũng đã được triệu tập hợp pháp nhưng họ đã không đến.

Được biết, trước khi diễn ra phiên tòa xét xử công khai vào 2 ngày 17 và 18/9/2019, vụ án này cũng đã 2 lần hoãn, trả hồ sơ bổ sung. Cụ thể, vào ngày phiên tòa thứ nhất diễn ra vào ngày 21/6/2019 phiên tòa đã hoãn vì lý do cả 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Chánh vắng mặt; luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là Cục thi hành án dân sự tỉnh vắng mặt.

Đến ngày 19/7, phiên tòa đã được đưa ra xét xử, tuy nhiên tại phần xét hỏi, hội đồng xét xử TAND tỉnh đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh điều tra bổ sung 1 số nội dung liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 2 doanh nghiệp tư nhân Huy Phương và Phú Lợi. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.