Kỳ 1: Tài xế “oằn lưng” nộp khoán
Dù với phương thức bán hẳn xe cho tài xế, rồi thu phí thương quyền hay xe của hãng và tài xế phải nộp khoán như cho thuê xe giá cao, các tài xế taxi vẫn phải “oằn lưng” mang lợi nhuận về cho doanh nghiệp.
Lái xe taxi đang phải chịu mức khoán cao và áp lực cạnh tranh gay gắt |
Khoán cao, hưởng ít
Là tài xế của hãng taxi Vic (Hà Nội), thu nhập của anh Đ. chỉ 5-6 triệu đồng/tháng. Anh Đ. cho hay, mỗi ngày nhận lệnh khoán, anh phải đóng về hãng 450 nghìn đồng. “Ngày nào nhiều khách thì doanh thu được chừng 1 triệu đồng, đóng cho hãng xong, trừ tiền xăng chỉ còn tầm 300 nghìn đồng. Nhưng số ngày được 300 nghìn mang về chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều ngày ế khách, trừ tiền đóng khoán cho hãng, tiền xăng xe, chỉ còn đủ tiền ăn cơm bụi hai bữa”, anh Đ. than.
Chung cảnh ngộ, anh T., tài xế hãng taxi Vinasun tại TP Hồ Chí Minh kể, ngay khi vào hãng, anh phải đóng tiền “thế chân” 10 triệu đồng. Nếu chạy đủ định mức từ 1,7 triệu đồng/ngày trở lên, anh được hưởng 62% doanh thu, từ 2 triệu đồng trở lên thì được 63% doanh thu, xăng dầu anh tự bỏ tiền mua. Trong trường hợp không đạt định mức hoặc chạy không đủ 170 km/ngày (kể cả đã đạt doanh số khoán), tài xế Vinasun đều bị phạt lần một là 100 nghìn đồng, lần hai là 200 nghìn đồng…
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ còn rất ít hãng xe taxi giữ phương thức làm ăn theo kiểu xe của hãng, hãng chịu toàn bộ tiền bộ đàm, đăng kiểm, nộp phí bảo trì đường bộ và thuê tài xế. Ngoại trừ Group, Vinasun, các hãng lớn như Mai Linh, Ba Sao, Mỹ Đình cũng đã bán xe cho các tài xế, chỉ giữ lại 1/3-1/4 số xe của hãng. |
Anh T. chia sẻ: “Định mức 1,7 triệu đồng/ngày là rất cao, nên cứ nhận xe là tôi sẵn sàng ở trên xe 24/24h, quên ăn quên ngủ. Kể cả chạy đủ doanh số, sau khi đã trừ đi các chi phí, mỗi ngày tôi cũng chỉ kiếm được từ 200-300 nghìn đồng…”.
Tương tự, anh C., tài xế taxi Mai Linh ở TP Hồ Chí Minh cho biết, anh phải đóng tiền đặt cọc cho công ty 8 triệu đồng. Hãng này khoán cho tài xế mức tối thiểu là 1,3 triệu đồng thì được hưởng 49% doanh thu, xăng dầu do tài xế chịu. Nếu vượt chỉ tiêu 1,3 triệu đồng, phần dôi ra tài xế được hưởng 70%, doanh nghiệp 30%. “Đạt được 1,3 triệu, mình được cầm về 637 nghìn đồng, trừ tiền xăng xe cũng còn khoảng 300 nghìn. Tuy nhiên, đạt được mức tối thiểu không dễ, thường muốn đạt mức này phải ở trong xe 18-20 giờ/ngày”, anh C. nói.
Ở Hà Nội, mức khoán của hãng Mai Linh cho tài xế là 1 triệu đồng/ngày, tài xế hưởng 50% và phải chịu tiền xăng xe. Nếu không đạt mức 1 triệu đồng/ngày, tài xế chỉ được hưởng 40% và còn chịu phạt. Theo anh B., một tài xế hãng taxi Mai Linh ở Hà Nội: “Mai Linh giao một xe cho hai người lái, cứ lái một ngày, nghỉ một ngày. Ngày nào nhận lái, gần như tôi ở trên xe 20/24h, thu nhập một tháng cũng được 7-8 triệu đồng”.
Hãng taxi trả tiền tìm tài xế
Các hãng taxi không bán xe cho tài xế sẽ tuyển tài xế lái thuê, có thể mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho những lái xe ký hợp đồng lao động một năm trở lên. Tuy nhiên, mức khoán cho tài xế lái thuê khá cao (xấp xỉ 1-1,7 triệu đồng/ngày, tùy hãng); Tỷ lệ ăn chia khắt khe 49-63% (tùy hãng và tùy mức vượt khoán), tài xế lại phải chịu tiền xăng xe, cầu phà, bến bãi… nên thu nhập chỉ chừng 5-8 triệu đồng/tháng.
Anh T., tài xế hãng Group chia sẻ, lái xe thuê thường nhận lệnh từ 4h hôm trước đến 4h hôm sau thì trả xe, làm một ngày nghỉ một ngày, nhưng ngày nhận xe, các tài xế thường làm việc 24/24h, nên mức lương 5-6 triệu, thậm chí 8-9 triệu vẫn không tương xứng.
Anh T. nhẩm tính: “Một ngày nhận xe là phải trả cho hãng 400-500 nghìn đồng, đắt hơn nhiều so với thuê xe tự lái ngoài thị trường. Số tiền này dồn vào trả góp cho ngân hàng, vài năm sau đã có chiếc xe của mình”. Bởi vậy, theo anh T., nhiều đồng nghiệp của anh có tâm lý chỉ lái xe thuê trong một thời gian ngắn để lấy kinh nghiệm rồi gom tiền mua xe riêng.
Cũng chính vì tâm lý này nên các hãng như Group, Mai Linh… thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lái xe. “Group đăng tuyển dụng suốt 365 ngày, nếu như lệ thường, các nơi tuyển dụng được người tìm việc quà cáp, nịnh nọt thì Group sẵn sàng trả 500 nghìn đồng nếu ai đó giới thiệu được tài xế cho hãng”, anh T., tài xế hãng taxi Group kể. Đây cũng là lý do các hãng taxi thường yêu cầu tài xế đặt cọc 6-8 triệu đồng/người, nếu phá hợp đồng sẽ chịu mất 50-70% tiền đặt cọc, thậm chí mất cả 100%.
Hải Quỳnh - Mai Huyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận