Vài năm gần đây, xe buýt hai tầng trở thành phương tiện du lịch được yêu thích tại TP.HCM. Với thiết kế độc đáo, không gian rộng rãi, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao. Đồng thời, chiêm ngưỡng các địa điểm du lịch nổi tiếng tại TP.HCM cũng như quan sát đường phố - nét độc đáo của thành phố mang tên Bác.
Buýt hai tầng có gì hấp dẫn?
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, cứ khoảng 30 phút, trên một số tuyến đường trung tâm lại có một chiếc xe buýt hai tầng đi qua. Màu sắc bắt mắt, thiết kế hiện đại, du khách trên xe đông... là những điểm thu hút sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, đa số khách trên buýt hai tầng là người nước ngoài.
Với giá vé 150.000 đồng (người lớn) và 100 ngàn đồng (trẻ em từ 2-11 tuổi), du khách sẽ được tham quan một vòng trung tâm thành phố. Tuyến tham quan đi qua các điểm: chợ Bến Thành, Bitexco, bến Bạch Đằng, nhà hát Thành phố, trụ sở UBND thành phố, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức bà, Thảo Cầm Viên, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, phố Tây Bùi Viện...
Theo quan sát, xe buýt hai tầng của Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam, ở tầng thứ nhất có máy lạnh mát rượi, ghế ngồi bố trí khá ít. Còn ở tầng 2, có khoảng 40 chỗ ngồi. Mặc dù rất sạch sẽ, tươm tất nhưng ghế ngồi trên một số xe đã cũ, dây an toàn được trang bị nhưng ít ai sử dụng. Vào ban ngày, ngồi trên tầng hai khá nóng.
Dù vậy, các tuyến xe đều trang bị nón lá và nhiều tiện ích khác cho du khách để chuyến tham quan thành phố bằng xe buýt hai tầng được trọn vẹn.
Có mặt trên tuyến buýt 2 tầng (tour một giờ vòng quanh trung tâm thành phố), chị Mỹ Anh (38 tuổi, ngụ quận 10) cho biết, tranh thủ kỳ nghỉ hè, chị cho con đi trải nghiệm thử xe buýt hai tầng. Trẻ con khá hào hứng, nhưng với người lớn thì chị Mỹ Anh thấy không quá đặc biệt. Với mức vé 150 ngàn đồng đi trong vòng 1 tiếng đồng hồ - chị Anh nhận xét là hơi cao.
"Đưa con đi trải nghiệm một lần cho biết thôi, còn nếu hỏi có đi nữa không, chắc là không. Có thể vì tôi là người địa phương, quen với thành phố rồi nên không thấy thích thú. Giá vé tôi thấy hơi cao", chị Mỹ Anh nói.
Trong khi đó, bà Laura (61 tuổi, quốc tịch Mỹ) khá thích thú khi đi xe buýt hai tầng. Bà cho biết, cảm giác ngồi trên cao nhìn xe cộ đi lại, ngắm các tòa nhà cao tầng hay những di tích của thành phố... là một cảm giác rất đặc biệt.
"Đi đến đâu chúng tôi được giới thiệu đến đó nên cũng khám phá thêm được nhiều nét văn hóa cũng như hiểu biết hơn về đất nước con người Việt Nam. Nói chung đây là trải nghiệm thú vị, nên thử khi đến TP.HCM", bà Laura nói.
Thêm dịch vụ, bỏ độc quyền?
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, thành phố đang có hai doanh nghiệp triển khai thí điểm xe buýt hai tầng, thoáng nóc. Bao gồm Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam (tuyến DL01, DL03) và Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội (DL02, DL04).
Mới đây, Công ty cổ phần vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus đề xuất mở thêm tuyến xe buýt hai tầng, hoạt động tại khu vực quận 1, quận 5 và một phần các quận 3, 4, 6, 10, TP Thủ Đức.
Sở GTVT cho biết, qua nghiên cứu và lấy ý kiến các sở ban ngành, lộ trình hoạt động xe buýt hai tầng do Công ty cổ phần vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus đề xuất không trùng lắp hoàn toàn với các tuyến đang thí điểm; các điểm đón, trả khách cơ bản phù hợp. Đồng thời, đáp ứng được các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ GTVT.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Khoa Luân, CEO Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam bày tỏ, ông không đồng tình việc doanh nghiệp khác sao chép mô hình xe buýt hai tầng để đưa vào khai thác thí điểm.
Ông Luân cho biết, để đưa xe buýt hai tầng vào khai thác, doanh nghiệp này đã tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Ngoài việc đầu tư về mặt pháp lý, được cấp Sở hữu độc quyền trí tuệ thương hiệu Hop on- Hop off quốc tế tại Việt Nam cũng như cấp phép tên miền quốc gia Hopon-hopoff.vn)... đơn vị cũng đã phải quy hoạch tuyến, đầu tư hạ tầng, phối hợp nhiều cơ quan chức năng ngầm hóa các tuyến cáp quan, viễn thông điện lực, truyền hình cáp, cải tạo nâng cấp nhiều hệ thống điện, cây xanh…
"Hiện nay trên thế giới chỉ có một mô hình xe buýt hai tầng phục vụ khách du lịch, mà chúng tôi đã mua bản quyền. Do đó, nếu doanh nghiệp khác nói làm theo mô hình khác cho phong phú, đa dạng là không hợp lý, vì làm gì có mô hình thứ 2", ông Luân nói và lý giải việc công ty đã đầu tư rất lớn về hạ tầng nên chi phí chắc cao, giá vé cao. Giờ doanh nghiệp khác nhảy vào, không đầu tư hạ tầng, bán giá thấp, cạnh tranh với mình thì có bình đẳng hay không?
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch đô thị TP.HCM ủng hộ việc có thêm doanh nghiệp thí điểm xe buýt hai tầng, nếu doanh nghiệp đó đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Ông Nguyên cho rằng, doanh nghiệp nào muốn mở sẽ phải nghiên cứu thị trường, xây dựng tuyến, xây dựng mức giá. Nếu mở ra mà thua doanh nghiệp hiện hữu, sẽ bị đào thải, tự rời bỏ. Ngược lại, dịch vụ tốt hơn, cạnh tranh hơn về giá cả sẽ thu hút khách, tạo sự cạnh tranh với doanh nghiệp đang thực hiện, đúng theo luật chơi của kinh tế thị trường: đa dạng và cạnh tranh.
Ông Nguyên nhận định thêm, việc có nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ xóa bỏ sự độc quyền, giúp người dân, khách du lịch có nhiều sự lựa chọn. Đặc biệt là giá cả, không có chuyện muốn đưa ra giá nào thì đưa.
"Nếu doanh nghiệp đi sau copy, sao chép mô hình đã có bản quyền của doanh nghiệp đi trước, doanh nghiệp đi trước có quyền khởi kiện ra tòa án", ông Nguyên nói.
Hiện công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off đang khai thác tuyến xe buýt hai tầng với 3 loại vé. Với tour 24h, giá vé là 500.000 đồng/người lớn, 400.000 đồng/trẻ em từ 2-11 tuổi và 50.000 đồng với trẻ dưới 2 tuổi; tour 4h có giá 350.000 đồng/người lớn, 300.000 đồng/trẻ từ 2-11 tuổi và 50.000 đồng/trẻ dưới 2 tuổi. Giá vé thấp nhất là 150.000 đồng/người lớn, 100.000 đồng/trẻ từ 2-11 tuổi như tuyến nêu trên, vòng quanh trung tâm thành phố trong khoảng 45 - 60 phút.
Mức giá này khá tương đương với xe buýt hai tầng do Công ty Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội khai thác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận