Những chiếc túi mang thương hiệu các hãng thời trang danh tiếng được bán tràn lan tại chợ Đông Kinh, Lạng Sơn |
Doanh nghiệp bất hợp tác
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có lần bắt giữ một lô thuốc Zinnat nghi vấn giả, nhưng hãng sản xuất lại không xác nhận đó là hàng giả mà nhanh chóng đẩy hết số thuốc còn trong kho ra thị trường vì lo ngại phải tiêu hủy lô hàng theo quy định của Bộ Y tế. Ngay cả những thương hiệu lớn như: Gucci, Boos... cũng không đề nghị xử lý xâm hại hàng giả khi cơ quan chức năng thông báo phát hiện nghi vấn hàng giả.
"Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có thể kết hợp với các doanh ngiệp làm dịch vụ về an ninh, an toàn cho hàng hóa trong việc phòng chống hàng giả, hàng nhái, chứ nếu tự đầu tư một dây chuyền chống hàng giả thì cũng lãng phí”.
Ông Trần Minh Dũng |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội Vương Trí Dũng cho biết: “Để xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả), nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp chủ sở hữu quyền, vì doanh nghiệp có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Nếu doanh nghiệp bất hợp tác, cơ quan chức năng rất khó khăn để chống hàng giả”.
Ông Trần Việt Hưng - Đội phó Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cũng xác nhận, sự hỗ trợ, tham gia của doanh nghiệp trong việc xác nhận, đấu tranh chống hàng giả là “không thể thay thế”. “Hàng giả ngày càng tinh vi, nếu không có sự nhận diện từ nhà sản xuất thì lực lượng chức năng rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí không thể phân biệt hàng thật - giả”, ông Trần Việt Hưng cho hay.
Chộp giật nên... sợ
Theo ông Vương Trí Dũng, doanh nghiệp thường đưa lý do như lo ngại người tiêu dùng sẽ tẩy chay luôn cả hàng thật khi biết có hàng giả; lo tốn kém, phiền phức... để tránh né việc nhận diện hàng giả. “Sự hiện diện của hàng giả, hàng nhái không chỉ làm giảm uy tín thương hiệu, làm giảm lợi nhuận của nhà sản xuất chân chính, mà còn triệt tiêu động lực sáng tạo của các doanh nghiệp. Chống hàng giả vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, vừa khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Những lý do doanh nghiệp né tránh, chấp nhận “sống chung” với hàng giả là không chính đáng”, ông Vương Trí Dũng nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng cho rằng, chỉ những doanh nghiệp có tư duy chộp giật, không có chiến lược đầu tư lâu dài, bền vững mới chấp nhận “sống chung” với hàng giả. Còn những doanh nghiệp làm ăn bài bản, họ hiểu khi hàng giả xuất hiện là họ bị móc túi, tài sản của họ bị mất cắp, thì họ sẽ đầu tư chống hàng giả ngay khi hàng giả mới manh nha xuất hiện, vì lúc đó việc dập tắt hàng giả dễ dàng, ít tốn kém hơn. Khi để hàng giả, hàng nhái tràn lan, được nhân rộng, việc chống hàng giả sẽ khó khăn, phức tạp, chi phí tốn kém, thiệt hại lớn hơn.
Là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đối đầu với hàng giả, ông Phạm Kinh Kha - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hương Vang cho biết, hàng giả ngày càng tinh vi, đến mức như đặt chai rượu Vodka Men giả cạnh chai rượu thật của Hương Vang, đến nhân viên bán hàng của công ty còn khó phân biệt. Để chống hàng giả, Hương Vang đã dán tem chống giả có mã pin lên từng sản phẩm của mình, khách hàng chỉ cần cào mã pin, nhắn mã này về tổng đài 1127 sẽ có tin nhắn tự động trả lời về xác thực nguồn gốc hàng hóa.
Hải Quỳnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận