6 năm sau ngày khởi công xây dựng gói thầu đầu tiên, công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Bến Lức - Long Thành lại đang đứng trước nguy cơ vỡ trận do đối mặt với quá nhiều vướng mắc.
Dự án ngưng trệ từ tháng 7/2019
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km, có tổng mức đầu tư hơn 1,488 tỷ USD gồm: Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 647,12 triệu USD và 569,3 triệu USD từ vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 272,46 triệu USD.
Chiều 20/2, trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xác nhận, đơn vị vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo đó, từ tháng 7/2019 đến nay, dự án bị đình trệ do không được bố trí vốn giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp.
Để giảm thiểu tối đa các rủi ro về pháp lý và nguy cơ thiệt hại kinh tế nhà nước, VEC kiến nghị tạm dừng thi công tất cả các gói thầu tại dự án do JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ. Đối với các gói thầu do ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) tài trợ, trong trường hợp các thủ tục pháp lý thực hiện dự án chưa tháo gỡ được các vướng mắc và các nhà thầu không còn nguồn lực, VEC cũng kiến nghị tạm dừng hợp đồng thi công tất cả các gói thầu.
Liên quan đến dự án này, trong cuộc họp mới đây giữa Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trần Văn Tám - Tổng giám đốc VEC cho biết, vướng mắc lớn nhất đang tồn tại của cao tốc Bến Lức - Long Thành là việc xác định thẩm quyền cơ quan chủ quản và cấp quyết định đầu tư dự án giữa Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, kéo theo việc giao vốn đầu tư công cho dự án bị tạm dừng từ đầu năm 2019.
“Từ tháng 6/2019 đến nay, cao tốc Bến Lức - Long Thành gần như bị ngưng trệ. Dự án đã vượt quá thời hạn thực hiện cũng như các hiệp định vay vốn. Vào tháng 3/2019, Bộ GTVT đã có các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để gia hạn hiệp định vay vốn cho dự án, nhưng đến nay do vướng mắc về việc xác định cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư nên các thủ tục vẫn đình trệ, chưa có gì tiến triển”, ông Tám nói.
Cũng theo ông Tám, do các khoản vay của ADB hết hạn, chưa được điều chỉnh nên các hợp đồng xây lắp đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu đều bị đình trệ và vượt thời gian. “Các nhà thầu quốc tế họ tuân thủ theo các điều kiện pháp lý, khi hết hợp đồng là họ dừng, không tiếp tục thực hiện dự án. Hơn nữa, các công việc phát triển mới tại dự án cũng đang bị đình trệ, bởi không có cơ quan nào phê duyệt”, ông Tám nói và cho biết, từ tháng 7/2019 đến nay, cao tốc Bến Lức - Long Thành bị đình trệ, đứng yên tại chỗ.
Nhà thầu dừng thi công vì hết vốn
Thông tin “bồi thường 70 triệu USD” chưa chính xác
Trả lời Báo Giao thông về thông tin ngân sách phải bồi thường cho các nhà thầu của hai gói thầu J1 và J3 tại dự án 70 triệu USD do kéo dài thời gian hợp đồng và chi phí chờ đợi của nhà thầu vì chưa được cấp vốn thi công, một lãnh đạo VEC nói: “Thông tin này chưa chính xác vì chi phí phát sinh do kéo dài hợp đồng với nhà thầu hiện chưa thể xác định được”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Mạnh Đức - Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, cao tốc Bến Lức - Long Thành gồm 11 gói thầu xây lắp được chia thành 3 phân đoạn sử dụng các hiệp định vay vốn khác nhau và thời gian đầu tư cũng khác nhau. Trong đó, đoạn 1 (đoạn tuyến phía Tây) gồm các gói xây lắp từ A1-A4, sử dụng vốn vay ADB đã hết hạn hiệu lực hợp đồng ngày 30/6/2019. Đoạn 2 sử dụng vốn vay của JICA gồm các gói thầu J1, J2 và J3, hiệp định vay vốn có hiệu lực đến ngày 17/7/2024.
Còn lại, đoạn 3 (đoạn tuyến phía Đông) gồm 3 gói thầu xây lắp từ A5 - A7 sử dụng vốn vay ADB, hiệu lực vay vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020. “Trong 11 gói thầu xây lắp của dự án, hiện nay, 3 gói thầu A2-1, A3 và J2 đã cơ bản hoàn thành, 8 gói còn lại đang triển khai thi công. Sản lượng thi công xây lắp toàn tuyến đạt khoảng 77%, chậm 11,9% so với yêu cầu”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện nay đang gặp vướng mắc lớn nhất về việc xác định thẩm quyền cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư dự án.
Cụ thể, từ tháng 9/2018, VEC được bàn giao từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước theo Nghị định 131/2018, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được cơ quan nào thực hiện quyền và nhiệm vụ quyết định đầu tư dự án, dẫn tới việc giao kế hoạch vốn đầu tư công, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay… chưa được giải quyết và dự án đã dừng triển khai thi công từ tháng 7/2019.
“Thời gian vay vốn ADB của đoạn tuyến phía Tây (A1-A4) đã hết hạn hiệu lực hợp đồng ngày 30/6/2019. Tuy nhiên, hiện nay không triển khai được các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn hiệp định vay vốn do chưa xác định được cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư dự án”, ông Đức thông tin.
Theo ông Đức, nguồn vốn bố trí cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang gặp vướng mắc cả về vốn nước ngoài và vốn đối ứng trong nước. Cụ thể, về nguồn vốn nước ngoài, tại Nghị quyết 71/2018, Quốc hội yêu cầu chưa giao vốn cho VEC. Trong khi, nguồn vốn đối ứng bố trí cho dự án cũng chưa thể bố trí do vướng quy định của Nghị quyết 50 ngày 15/7/2019 của Chính phủ. Hơn nữa, dự án hiện nay còn vướng mắc mặt bằng của 57 hộ dân nằm rải rác ở các gói thầu thuộc địa phận TP HCM và Đồng Nai do chủ đầu tư không có vốn để chuyển cho địa phương chi trả cho người dân.
Theo ông Đức, thời gian qua, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho dự án trọng điểm quốc gia này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận