Sau 7 năm khởi công, dự án gần 3.800 tỷ vẫn dang dở
Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình có tổng chiều dài 29,7km, điểm đầu từ nút giao tỉnh lộ 353 (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) và điểm cuối là quốc lộ 37 mới nối với dự án đường bộ ven biển qua địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình).
Đây là dự án nằm trong tuyến đường bộ ven biển Việt Nam, được Thủ tướng phê duyệt năm 2010, được điều chỉnh vào tháng 12/2015 và được bổ sung vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tháng 4/2023.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 3.758 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 720 tỷ đồng, vốn BOT là 3.038 tỷ đồng.
Liên quan đến kiến nghị của nhà đầu tư, trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho biết, đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình là dự án mà thành phố rất quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, bởi đây là dự án mang tính liên kết vùng, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Hải Phòng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thành phố đã tích cực chỉ đạo, nhiều lần có văn bản, trực tiếp làm việc với các cơ quan Trung ương để kiến nghị giải quyết.
Nhà đầu tư là Liên danh giữa Tổng công ty Xây dựng số 1- CTCP (CC1) và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bùi Vũ. Doanh nghiệp được nhà đầu tư giao trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng.
Dự án BOT này được UBND TP Hải Phòng phê duyệt năm 2016, sau đó được điều chỉnh hai lần vào các năm 2017 và 2018. Ngày 13/5/2017, dự án khởi công, nhưng đến năm 2018 mới chính thức triển khai theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành trong năm 2019.
Tuy nhiên, do nhiều khó khăn liên quan đến vật liệu san lấp, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nguồn vốn của chủ đầu tư, nên dự án phải nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Và hạn cuối được đưa ra là hoàn thành trong tháng 6/2023, cùng với đó, vốn đầu tư cũng tăng lên mức gần 3.800 tỷ đồng.
Sau khi dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển bằng hình thức BOT được triển khai, nhận thấy tuyến đường có quy mô nhỏ (mặt cắt ngang 12m) nên TP Hải Phòng quyết định thực hiện dự án mở rộng tuyến đường ven biển. Theo đó, dự án mở rộng tuyến đường được thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước nhằm đưa tuyến đường này có mặt cắt ngang 24m.
Thế là dự án tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn Hải Phòng khá đặc biệt, bởi trên cùng tuyến đường hiện đồng thời triển khai hai dự án. Cụ thể là một dự án thực hiện theo hình thức BOT và một dự án thực hiện bằng ngân sách Nhà nước.
Dự án mở rộng tuyến đường không gặp nhiều khó khăn nhưng do dự án xây dựng tuyến đường bằng hình thức BOT gặp nhiều vướng mắc nên dự án mở rộng phải thi công cầm chừng suốt thời gian qua.
Theo tìm hiểu và ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến thời điểm hiện tại đã quá 15 tháng so với kế hoạch đề ra, dự án này vẫn đang được triển khai rất chậm, trong đó có nhiều hạng mục “đắp chiếu" hoặc thi công cầm chừng, chưa rõ ngày về đích.
UBND TP Hải Phòng xử trí thế nào?
Theo tìm hiểu của PV, một trong những khó khăn lớn nhất khiến dự án bị chậm tiến độ nhiều năm là mức chênh lệch lãi suất vốn vay giữa nhà đầu tư vay thực tế và theo quy định tại hợp đồng BOT. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, cùng với tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 3 năm.
Trước tình hình trên, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã nhiều lần có văn bản đề xuất lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bộ Tài chính là một trong những cơ quan tham mưu của Chính phủ đã nhiều lần có văn bản trả lời, đề nghị UBND TP Hải Phòng với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng dự án xem xét, quyết định việc điều chỉnh lãi suất vốn vay tại hợp đồng dự án phù hợp với quy định tại Nghị định số 28/2021 và các quy định có liên quan, đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của các bên.
Để giải quyết tình trạng dự án chậm tiến độ kéo dài, UBND TP Hải Phòng đã báo cáo và được Ban Thường vụ Thành ủy cho phép tiến hành các thủ tục thương thảo, đàm phán để chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn. Trong quá trình thương thảo, đàm phán sẽ xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên để xử lý theo quy định, đảm bảo không thất thoát ngân sách Nhà nước.
Trong thời gian chờ thực hiện việc xử lý dự án BOT, để có thể sớm khai thác tuyến đường bộ ven biển phục vụ nhu cầu giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển, UBND TP Hải Phòng đang chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng từ đường tỉnh 353 đến cầu Thái Bình.
Đồng thời, nghiên cứu phương án để khai thác đồng bộ có hiệu quả các tuyến đường. Khi được điều chỉnh, dự án mở rộng sẽ có thể tiếp tục thi công một cách độc lập, không còn phụ thuộc vào dự án BOT.
"Hiện nay, UBND TP Hải Phòng và nhà đầu tư đang đàm phán để chấm dứt hợp đồng BOT đường ven biển trước thời hạn. Sau khi chấm dứt hợp đồng BOT, dự kiến thời gian có thể triển khai thi công dự án là năm 2026 và hoàn thành, đưa công trình vào khai thác sử dụng trong năm 2027", lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận