Hoạt động xây dựng tàu điện ngầm đang được thực hiện |
Dự án lớn nhất Ấn Độ giảm tắc nghẽn
Tuyến tàu điện ngầm số 3 với hy vọng giảm gánh nặng giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt ở Mumbai được công bố từ năm 2014. Những người ủng hộ cho rằng, Metro 3 là tuyến đường cần thiết giúp giải quyết các vấn đề giao thông, tạo kết nối với các sân bay của Mumbai.
Tuy nhiên, những người chỉ trích dự án này đã tức giận vì dự án nói trên buộc Chính phủ phải đốn hạ hàng nghìn cây xanh và có thể “xúc phạm” tới hàng nghìn ngôi chùa, kéo theo việc phá hủy khu rừng mà các bộ lạc luôn coi là nhà thiêng.
Giám đốc quản lý Tập đoàn Đường sắt ngầm Mumbai - bà Ashiwni Bhide nhận định: “Đây là một trong những dự án lớn nhất của Ấn Độ. Nó đã đối mặt với nhiều khó khăn và nhiều thách thức khác nhau”.
Tuyến đường sắt trị giá 3,6 tỉ USD kết nối điểm du lịch Colaba nổi tiếng của Mumbai tại khu vực phía Nam với khu kinh tế đặc biệt SEEPZ, cách đó 33,5km về phía Bắc. Tuyến Metro 3 sẽ có 27 điểm dừng, đặt tại các khu vực kinh doanh bận rộn nhất thành phố bao gồm khu Bandra Kurla và Lower Parel, nơi từng xảy ra sự cố giẫm đạp tại sân ga khiến 23 người thiệt mạng.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt này hoàn thành vào tháng 12/2021. “Tắc nghẽn giao thông sẽ giảm đáng kể nhờ hành lang đường sắt này”, bà Bhide nói và ước tính 650 nghìn lượt phương tiện/mỗi ngày sẽ được cắt giảm nhờ Metro 3.
Tuyến đường sắt tàu điện ngầm 3 cũng góp phần giảm tải cho các tuyến đường sắt nứt đang phải oằn mình chịu đựng tại Mumbai khiến trung bình 9 người thiệt mạng/ngày do rơi xuống đường ray từ những toa tàu chật ních.
Khoảng 7 triệu người sử dụng đường sắt Mumbai mỗi ngày. Bà Bhide cũng cho hay, tuyến tàu điện mới giúp chở 1,7 triệu hành khách/ngày, giải phóng không gian cho các tuyến tàu khác trên mặt đất. “Chất lượng hoạt động đi lại, tốc độ di chuyển sẽ tăng cao”, bà nhận định.
Chưa kể, TP Mumbai thường xuyên phải dừng tàu trong mùa bão lũ, kéo dài 4 tháng. Với tàu điện ngầm mới, hoạt động đi lại của thành phố không bị gián đoạn. Công tác xây dựng triển khai từ tháng 10/2016 và nhiều khu vực rộng lớn của thành phố bắt đầu khoan những đường hầm sâu tới 22m. Dọc các hàng rào ngăn cách khu vực xây dựng gắn biển “Mumbai đang nâng cấp”.
Phản đối kịch liệt để bảo vệ cây xanh, đền thờ
Tuy nhiên, trong khi hầu hết mọi người ủng hộ dự án, một số người khác lại thể hiện bức xúc, phản đối kịch liệt. Hàng nghìn người theo đạo Parsi ký đơn kiến nghị, kêu gọi thay đổi tuyến đường tàu để không đi qua một số ngôi đền lửa (nơi tín đồ đạo thờ Thần lửa - Zoroastrian thường xuyên lui tới chiêm bái) vì cho rằng đó là hành động phỉ báng Thần lửa sẽ khiến thiên nhiên nổi giận, trừng phạt.
Nhiều nhà hoạt động vì môi trường từng kiện dự án này ra tòa vì không muốn hàng nghìn cây xanh bị chặt bỏ và phản đối xây dựng nhà ga tại khu đất rộng 33ha ở Aarey Colony - một địa điểm đa dạng sinh thái.
Khu vực này giáp với Công viên Quốc gia Sanjay Gandhi là “ngôi nhà” của báo, chim và nhiều loại động vật khác. “Nó là khu rừng xinh đẹp, hiếm hoi nằm ngay trung tâm Mumbai, là và “lá phổi” của thành phố, rất cần được bảo vệ”, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Vanashakti, ông Stalin Dayanand nhận định.
“Một khi Chính phủ cho phép xây dựng tại đây, nó sẽ mở cửa cho các nhà phát triển địa ốc kéo vào xây dựng, phá huỷ môi trường sinh thái”, ông Dayanand nói.
Hơn nữa, có khoảng 7.000 người thuộc bộ tộc Warlis của Ấn Độ đang sinh sống dọc Aerey, nơi có ốc đảo xanh rộng 1.200ha. Tộc trưởng Prakash Bhoir nói, khu vực người Warlis sinh sống hàng thế kỷ nay, đã chứng kiến nhiều cuộc xâm lấn nghiêm trọng trong nhiều năm gần đây.
“Hành vi phá hoại rừng đang diễn ra ở mức độ đáng báo động. Chúng tôi không muốn thay đổi. Hãy để nó tự nhiên như trước nay vẫn vậy”, ông nói.
Trong thời gian tới, Tòa án Tối cao Mumbai sẽ phân xử đơn kiến nghị được nhắc tới ở trên. Tuy nhiên, bà Ashiwni Bhide vẫn nhận định rằng, Aarey là khu vực duy nhất phù hợp để thực hiện dự án tàu điện ngầm tại thành phố “tấc đất, tấc vàng” như Mumbai.
Theo bà, những thách thức về pháp lý đó đã đẩy lùi ngày hoàn tất tuyến tàu điện ngầm xuống khoảng 10 tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận