QL1 qua Hà Tĩnh còn 2 đoạn chưa được mở rộng lên 4 làn xe, mặt đường đã xuống cấp đang chờ phân bổ vốn dư từ dự án mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên để tiếp tục được nâng cấp đồng bộ với toàn tuyến - Ảnh: Trần Lộc |
Trong dự toán ngân sách 2016, Quốc hội đã đồng ý phân bổ 14.259 tỷ đồng vốn TPCP còn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường HCM đoạn qua Tây Nguyên, để tiếp tục nâng cao năng lực hai tuyến giao thông huyết mạch. Tuy nhiên, hết quý III/2016, các dự án vẫn chưa được triển khai. Vì sao lại có sự chậm trễ như vậy? Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ GTVT) trả lời Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, vì sao việc sử dụng vốn dư các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đến giờ vẫn chưa được khai thông?
Việc chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân. Ngay từ tháng 4/2014, Bộ GTVT đã chủ động báo cáo Thủ tướng phương án sử dụng vốn TPCP còn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (sau đây gọi là các dự án sử dụng vốn dư).
Sau khi tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến các bộ, Bộ GTVT đã hoàn chỉnh phương án trình Quốc hội vào tháng 10/2015. Đến tháng 11/2015, tại Nghị quyết số 99 phê duyệt dự toán ngân sách 2016, Quốc hội đã thông qua việc sử dụng 14.259 tỷ đồng vốn dư để đồng bộ quy mô, đầu tư hệ thống giao thông kết nối nâng cao năng lực QL1 và đường HCM đoạn qua Tây Nguyên.
Ngay sau đó, Bộ GTVT đã có 6 văn bản báo cáo Thủ tướng và gửi các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để giải quyết các thủ tục liên quan và đề nghị giao vốn sớm triển khai các dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện giao vốn mất quá nhiều thủ tục, Bộ KH&ĐT yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn, rà soát lại tổng mức đầu tư các dự án dù việc này đã được Bộ GTVT phê duyệt theo đúng quy định…
Thêm nữa, do đây là các dự án đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công nên dù đã được Quốc hội thông qua về chủ trương, đã xin ý kiến Thủ tướng và các bộ, ngành nhưng Bộ GTVT vẫn phải thực hiện lại các thủ tục đã làm trước đó như: Lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn, lập và phê duyệt dự án đầu tư… dẫn đến thời gian kéo dài.
Ông Nguyễn Hoằng,Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ GTVT |
Có ý kiến cho rằng, việc triển khai chậm còn do một số dự án phải rà soát lại chủ trương, điều chỉnh mức đầu tư. Phải chăng Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương có sự không thống nhất về tiêu chí lựa chọn, quy mô dự án?
Tiêu chí lựa chọn dự án đã được ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội: Trong 14.259 tỷ đồng vốn dư, bố trí 1.647 tỷ đồng cho các dự án triển khai trước đây để đồng bộ với việc mở rộng QL1, còn lại 12.612 tỷ đồng bố trí cho 22 danh mục dự án trước đây dự kiến sử dụng nguồn vốn khác nhưng đang khó khăn, một số tuyến tránh, một số nút giao và mở rộng một số đoạn nhằm đồng bộ quy mô và đảm bảo an toàn giao thông.
Nhưng đúng là từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương cho đến khi thực hiện các thủ tục giao vốn, các bộ, ngành đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại danh mục, tổng mức đầu tư dự án, cắt giảm vốn… mất khá nhiều thời gian. Cũng có ý kiến cho rằng, 6/22 dự án không phù hợp tiêu chí, một số địa phương đề nghị sử dụng vốn này cho nhiều tuyến đường trên địa bàn đang không tìm được nguồn vốn…
Đến nay, sau rà soát, phương án Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Chính phủ phê duyệt có gì khác phương án ban đầu Bộ GTVT trình hay không, thưa ông?
Sau rất nhiều thời gian rà soát, phương án trình Chính phủ hiện nay so với phương án Bộ GTVT báo cáo trước đó không có gì thay đổi. Tổng mức đầu tư khái toán 12.612 tỷ đồng, mức đầu tư Bộ GTVT trình là 11.902 tỷ đồng.
Vậy đến khi nào các dự án mới có thể triển khai?
Nhiều khả năng, tuần tới, quyết định giao vốn sẽ được Thủ tướng phê duyệt. Ngay sau khi có quyết định, Bộ GTVT sẽ triển khai đồng loạt các dự án để tận dụng thời gian còn lại của mùa khô năm nay, phấn đấu hoàn thành các dự án trong năm 2017.
QL1 qua Hà Tĩnh còn 2 đoạn chưa được mở rộng lên 4 làn xe - Ảnh: Trần Lộc |
Liệu các dự án có thể khởi công ngay sau khi được giao vốn để đảm bảo hoàn thành trong năm 2017?
Để tiết kiệm thời gian triển khai dự án, trong lúc tiến độ giao vốn quá chậm, Bộ GTVT đã chủ động phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công, lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị các điều kiện tại công trường... để khi được giao vốn có thể triển khai ngay. Với “bí quyết” hoàn thành dự án mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên sớm hơn 1 năm, chúng tôi tin tưởng việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông sẽ đảm bảo chất lượng và tiến độ các dự án sử dụng vốn dư.
Hiện, rất nhiều tỉnh đề nghị bố trí vốn dư còn lại cho các dự án trên địa bàn, ông có thể cho biết tiêu chí phân bổ vốn dư giai đoạn 2 như thế nào?
Sau khi rà soát, nguồn vốn TPCP còn dư khoảng 4.520 tỷ đồng. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phương án phân bổ nguồn vốn TPCP tiếp tục còn dư cho các dự án cấp bách theo đúng nguyên tắc được nêu trong Nghị quyết 99/2015/QH13 của Quốc hội.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư của các địa phương đang vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn. Nếu xé lẻ nguồn vốn để đầu tư các dự án như nhiều địa phương đề nghị, mục tiêu phát huy hiệu quả hai tuyến đường huyết mạch sẽ không đạt được. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ bố trí vốn cho các dự án cấp bách như: Xây dựng một số cầu vượt trên QL1, thay thế các cầu yếu trên tuyến, mở rộng một số đoạn nhằm đồng bộ quy mô và đảm bảo an toàn giao thông; đầu tư một số dự án kết nối QL1 với đường Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu nối thông đường Hồ Chí Minh vào năm 2020.
Cảm ơn ông!
Tiếp tục đầu tư cho QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên Trả lời câu hỏi vì sao đại công trường nâng cấp, mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên vừa hoàn thành, chúng ta lại tiếp tục đầu tư trên hai tuyến này, ông Nguyễn Hoằng cho biết: “Ở thời điểm thực hiện, để đảm bảo phương án tài chính toàn dự án, Chính phủ phê duyệt phương án nâng cấp đường HCM qua Tây Nguyên và mở rộng toàn tuyến QL1 lên 4 làn xe cơ giới, có dải phân cách cứng ở giữa. Riêng các đoạn vừa được nâng cấp, trong quy hoạch sẽ làm cao tốc song song, hoặc tuyến tránh sẽ xem xét sau. Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT tiết giảm được hơn 14 nghìn tỷ đồng do thay đổi thiết kế, áp dụng biện pháp thi công phù hợp thực tế, đẩy nhanh tiến độ, dẫn đến nguồn vốn TPCP bố trí cho các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư. Nguồn vốn dư này đang được tiếp tục đầu tư để xử lý nốt các đoạn trước đây để lại do phương án tài chính không cho phép như đã nói ở trên. Vừa qua, sau khi các dự án mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên được đưa vào khai thác, đã rút ngắn được từ 7-10 giờ chạy xe trên tuyến Hà Nội-Cần Thơ, giảm 3 giờ chạy xe trên tuyến TPHCM-Tây Nguyên. Tới đây, khi hoàn thành xong các dự án sử dụng vốn dư, giao thông trên hai tuyến này sẽ thuận tiện, nhanh chóng và đảm bảo ATGT hơn nữa, ông Hoằng cho biết. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận