Y tế

Vì sao dư luận phản ứng thu phí người nuôi bệnh?

17/04/2019, 06:40

Việc một số bệnh viện tại TP.HCM tổ chức thu phí đối với người chăm, nuôi bệnh nhân (mức phí 30 nghìn đồng/người) đã gây phản ứng từ dư luận...

img
Trước luồng dư luận phản đối, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức phải dừng việc thu phí người nuôi bệnh

Nhiều người cho rằng, việc người nhà theo người bệnh nằm viện là “cực chẳng đã”, không chỉ phải chi trả viện phí, họ còn chi trả nhiều khoản chi tiêu khác từ ăn uống, đi lại… giờ lại thêm phí người nuôi bệnh trong khi cơ sở hạ tầng bệnh viện không đáp ứng tốt thì hoàn toàn không phù hợp.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng, nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho rằng: “Trong việc bảo vệ sức khỏe, chúng ta đang chuyển từ chế độ bao cấp theo kế hoạch sang chế độ tự chủ (tự chủ một phần, một số khâu có thể). Tuy nhiên, thực tế nhiều bệnh viện đang chủ trương tự điều hành “toàn diện” dưới dạng... khoán quản, và đa dạng hóa thành phần kinh tế dưới thuật ngữ “xã hội hóa”. Việc thu tiền người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân nằm viện là một trong những ví dụ điển hình về tự chủ trong ngành y tế”.

Theo ông Bàng, về lý thuyết, ngành y tế và BHXH phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc chi trả cho công dân đã đóng đủ BHYT và BHXH. Nghĩa là bệnh viện phải lo đủ biên chế cho việc chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện và triệt để, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu mà tình trạng sức khoẻ của người bệnh đòi hỏi, kể cả chăm sóc chuyên môn và chăm sóc đời thường (ăn uống, tắm giặt, vệ sinh, đi lại, giải trí...). Điều này được thấy rất rõ ở các nước phát triển và ở một vài bệnh viện tư nhân tại Việt Nam gần đây. Nhưng tại các bệnh viện công lập, ngành y tế không có biên chế cho việc chăm sóc đời thường của bệnh nhân. Để chăm sóc “toàn diện” người bệnh, bệnh viện buộc phải sử dụng đến hệ thống nhân lực không chuyên nhưng rất sẵn có và hợp lý là người nhà bệnh nhân.

“Đáng lẽ bệnh viện phải trả tiền công, hoặc chí ít là cảm ơn người nhà bệnh nhân và tạo điều kiện cho họ “làm việc” thì lại bắt họ phải trả tiền. Nghe thật nghịch lý. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn đơn thuần và đơn chiều. Bởi xét ở một góc độ khác, khi bệnh viện phải chịu sự quá tải của bệnh nhân và phải chứa đựng một lượng người gấp đôi thì tất cả mọi chi phí ngoài chuyên môn đều tăng vọt. Lãnh đạo bệnh viện không còn cách nào và nguồn chi nào để trang trải cho sự bội chi này, họ phải tính đến việc thu phí”, ông Bàng phân tích.

Qua đây, ông Bàng đặt vấn đề: “Để giải quyết, đơn giản là... cắt nguồn cung người nhà theo nuôi bằng cách cung cấp đủ nhân lực “cận y tế” (hộ lý, y công, nhân viên chăm sóc cơ bản...). Nhưng biết bao giờ bệnh viện có đủ đội ngũ nhân lực hùng hậu và cấp thiết này, khi mà những khái niệm như “chăm sóc toàn diện” mới nằm trên giấy, trong khi nhà nước chưa có chủ trương đào tạo đội ngũ nhân lực thiết yếu này, bảo hiểm chưa hề tính đến chi phí “cận chuyên môn”?”

Được biết, trong Danh mục phí và lệ phí ban hành cùng Pháp lệnh Phí và lệ phí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành, hiện vẫn đang áp dụng, không có một khoản phí nào có tên là phí thân nhân người bệnh hay phí người nuôi bệnh. Việc đặt ra một mức phí mới dù ít hay nhiều, Bộ Y tế cũng cần phải trình Bộ Tài chính, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét tính hợp lý, đúng đắn để có sự phê duyệt cho bổ sung hay không vào Danh mục Phí và lệ phí hiện hành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.