Đường sắt

Vì sao đưa đường sắt tốc độ cao vào luật?

03/11/2016, 06:00

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội có hẳn một chương về đường sắt tốc độ cao.

4

Tàu vào ga Phan Thiết

Dù Việt Nam hiện chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào nhưng Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội vẫn bổ sung riêng một chương quy định về loại hình đường sắt hiện đại này.

Cơ sở pháp lý đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông về lý do cần đưa đường sắt tốc độ cao vào Dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, điều này chính là hướng tới tương lai phát triển đường sắt của Việt Nam. Việc xây dựng, sửa đổi luật không chỉ để điều chỉnh những vấn đề hiện tại mà còn phải mang tính dự báo, có thể giải quyết được những vấn đề trong tương lai và đảm bảo tính ổn định tương đối. 

“Đây là bước chuẩn bị, là tiền đề tạo hành lang pháp lý quan trọng để sau này quá trình đầu tư, quản lý, khai thác thuận lợi. Nếu bây giờ không đưa nội dung đường sắt tốc độ cao vào Dự thảo Luật, sau này khi có chủ trương đầu tư của Nhà nước sẽ lại phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật”, Thứ trưởng Đông nói.

"Việc làm luật là lâu dài, không phải chỉ cho một giai đoạn cụ thể. Trước sau gì nước ta cũng phải đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao, vì đây là sự phát triển lâu dài. Xung quanh các nước đều có đường sắt cao tốc, tại sao mình không có, vấn đề chỉ còn là lựa chọn thời điểm đầu tư để quyết định. Riêng về công nghệ, kĩ thuật đường sắt tốc độ cao, không thể nói chung chung, phải xác định tải trọng, tốc độ là bao nhiêu và rất nhiều chỉ số khác. Vì thế, các nhà khoa học, các nhà kinh tế phải tính toán hợp lý nhất”.

GS. TSKH. Lã Ngọc Khuê

Làm rõ thêm, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi chia sẻ, việc phát triển đường sắt tốc độ cao đã được xác định trong chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ: “Trên cơ sở quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với lộ trình phù hợp”; Tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 Hội nghị lần thứ Tư của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cũng nêu: “Nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp”.

Cùng đó, theo chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nêu rõ, đến năm 2020 nghiên cứu các phương án xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam. Giai đoạn đến năm 2030 triển khai xây dựng mới một số đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao theo khả năng huy động vốn. Phấn đấu đến năm 2050 hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Còn theo kinh nghiệm phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc, khi Luật GTĐB 2008 được ban hành, tại Việt Nam chưa xuất hiện loại hình đường bộ cao tốc, nhưng trong Luật cũng đã có quy định một số nội dung liên quan đến đường cao tốc (Điều 3, Điều 26, Điều 41) để làm cơ sở pháp lý cho việc kêu gọi đầu tư, xây dựng và phát triển đường cao tốc sau này.

“Đến nay, hệ thống đường bộ cao tốc đã và đang phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Vì vậy, việc bổ sung một số quy định về đường sắt tốc độ cao trong Dự thảo Luật là cần thiết để có cơ sở pháp lý chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này”, ông Khôi nói.

Lựa chọn công nghệ đảm bảo hiệu quả

Cũng theo ông Vũ Quang Khôi, đường sắt tốc độ cao là loại hình đường sắt tiên tiến, hiện đại, yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật an toàn rất khắt khe. Hiện, nhiều nước trên thế giới có loại hình đường sắt tốc độ cao với những công nghệ, yêu cầu kỹ thuật khác nhau ngày càng tiến bộ, tùy thuộc vào trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý của mỗi nước. Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao đòi hỏi phải có phương án thiết kế, công nghệ, thiết bị hiện đại, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Chính vì vậy, Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi bao gồm 9 chương, trong đó từ Chương I đến Chương VI quy định cho tất cả các loại hình đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Riêng Chương VIII Đường sắt tốc độ cao không nêu các quy định cụ thể, chi tiết mà chỉ nêu những đặc thù riêng của đường sắt tốc độ cao khác biệt với đường sắt thông thường; Đồng thời, nêu rõ những yêu cầu mang tính nguyên tắc, bắt buộc, ổn định mà mọi đường sắt tốc độ cao phải có như: Chính sách phát triển; Các yêu cầu chung về công trình, phương tiện, thiết bị, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đất dành cho đường sắt tốc độ cao, chuyển giao công nghệ; Yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng về công trình, hệ thống cung cấp điện, hệ thống quản lý điều hành, thông tin chỉ dẫn hành khách; Quản lý bảo trì, kinh doanh và quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.

Về công nghệ, tốc độ thiết kế, tốc độ khai thác, theo ông Khôi, đến nay, định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt vẫn xác định nhất quán mục tiêu tương lai hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao khai thác với tốc độ 350km/h. Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu vận tải, nguồn lực đầu tư đối với từng giai đoạn, phát huy hiệu quả đầu tư, xác định lộ trình nghiên cứu chuẩn bị dự án, phân kỳ đầu tư đối với từng giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2020 - 2030 sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao; Trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h, đây là công tác chuẩn bị để hoàn thiện và chạy tàu tốc độ ≥ 200km/h. Ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam như: Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM. Phấn đấu đến năm 2050, hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam; Sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác với tốc độ 350km/h.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.