Cũng như đời thực, facebook không chỉ màu hồng, màu xanh lạc quan và hy vọng mà còn có nhiều màu xám, bi quan và cô đơn |
Chưa có một cuộc thăm dò xã hội học nào đối với những người hay sử dụng, nói đúng hơn là những người “nghiện” Facebook, để xem họ sống ra sao, quan niệm về cuộc đời như thế nào, lạc quan, hy vọng, hay đau khổ, cô đơn, bức xúc và sợ hãi? Tôi tin, bằng trực quan của mình, với những gì đã thấy, mạng xã hội là một bức tranh lớn phản ánh một phần bộ mặt của xã hội mà chúng ta đang sống.
Nó không có màu hồng, mà là một bức tranh màu xám, bi quan, cô đơn, hỗn loạn, đầy trăn trở, mất phương hướng, pha lẫn với những nỗi lo lắng thường trực về cuộc sống thường nhật. Những chấm xanh lạc quan và hy vọng tồn tại rất ít.
Sẽ có những người đặt ra câu hỏi, tại sao Facebook có thể tạo ra một làn sóng chia sẻ lớn đến thế? Tại sao nó có thể tác động ngược trở lại, ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội, gia đình, dần dần để lại dấu vết trong ý thức của các cá nhân và làm thay đổi cuộc sống của họ? Và tại sao những điều tiêu cực, xấu xa, những câu chuyện tầm phào và tọc mạch, ẩn chứa trong đó rất nhiều điều không được kiểm chứng, không xác thực hoặc có ý đồ xấu lại được chú ý, chia sẻ, lan đi với tốc độ chóng mặt, trong khi những câu chuyện giản dị, những thông tin về cuộc sống, những chuyện tử tế dễ bị chìm đi?
Ai đó sẽ nói, điều tương tự cũng xảy ra ở phương Tây. Sự hiếu kì, những sở thích tầm thường, những chuyện ngồi lê đôi mách và những nỗi sợ hãi, lo lắng trên mạng xã hội là nhu cầu có thật, là bản năng của mỗi con người. Nhưng tôi thấy, vẫn có sự khác biệt.
Khác vì đặc thù ở ta mặt bằng dân trí còn thấp, ý thức xã hội chưa cao và đột nhiên được bước ra thế giới, khi được cung cấp một môi trường lý tưởng để thể hiện cái tôi và những quan điểm cá nhân sau một thời gian rất dài sống trong một nền giáo dục khuôn mẫu, một môi trường đóng kín và một chiều.
Sự bùng nổ những cái xấu và tác động tiêu cực từ mạng xã hội trên nhiều khía cạnh là điều đã xảy ra. Kể cả khi Facebook giúp người ta tố cáo cái xấu, những bất công, sau đó được cơ quan chức năng giải quyết thì dư âm để lại không phải là niềm tin vào những điều tốt đẹp mà là sự bi quan kèm theo những bình luận chua cay đầy tiêu cực. Khi những điều tiêu cực của xã hội mạng lan tràn, tác động ngược trở lại xã hội, những người quản lý bắt đầu quan tâm đến việc kiểm soát nó bằng các quy định.
Điều đó, xét cho cùng là đúng và cần thiết, nhưng chưa đủ. Người ta không thể chỉ ngăn chặn những quan điểm bất đồng, truy tìm và xử phạt những lời vu khống, kích động cái xấu mà bỏ quên việc dùng mạng xã hội để kết nối những người tốt và có tâm với xã hội. Cần biết nhân lên những điều tốt đẹp và chia sẻ những quan điểm, lối sống, suy nghĩ, thông tin có ích cho mọi người.
Để tấn công cái xấu và nâng cao dân trí cần tận dụng khả năng lan tỏa rộng của mạng xã hội. Những người tốt và có uy tín trong xã hội không ít, bản thân họ hàng ngày vẫn có những tác động tích cực lên một số đông người theo dõi, nhưng những gì họ làm đang lọt thỏm trong một biển thông tin hỗn loạn và đa chiều. Đấy là sự thất bại của những người tử tế, của lớp trí thức, hay là của xã hội nói chung?
Nỗi lo sợ và những điều tiêu cực được nhân lên hàng ngày không phải vì cái tốt, sự lạc quan, niềm vui không tồn tại, mà vì những điều ấy không được sẻ chia, không biết cách để được sẻ chia.
Vậy nên, trong cả đời thực lẫn cuộc sống ảo, chúng ta hãy cùng nhau làm một điều gì đó tốt đẹp cho mình và cho mọi người trên mạng xã hội như nhà văn Dumbadze đã viết trong Quy luật của muôn đời: “Chừng nào còn sống thì anh mang hộ tâm hồn tôi, tôi mang hộ tâm hồn người khác, người khác lại mang hộ tâm hồn người khác nữa, cứ như thế mãi đến vô cùng vô tận…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận