Văn hóa - Giải Trí

Vì sao gameshow Việt “sớm nở, tối tàn”?

18/04/2018, 07:22

Nhiều gameshow, truyền hình thực tế (THTT) hiện chỉ gây được chú ý ở một, hai mùa đầu.

23

“Sing my song” mùa 2 giảm hẳn “nhiệt” so với mùa 1

Cái bóng quá lớn của mùa đầu

Năm 2017, Sing my song khiến công chúng và giới làm nghề háo hức với một format hoàn toàn mới, là sân chơi dành cho những người hát và sáng tác. Ở mùa đầu tiên, mỗi tập đều gây chú ý khi có nhiều bài hát tạo ấn tượng. Sang mùa hai, hiện chương trình đã vào vòng Trại sáng tác 24h nhưng dấu ấn của mùa này chỉ chủ yếu qua những nghi vấn đạo nhạc liên tiếp. Chưa có ca khúc nào có sức lan tỏa như: Ông bà anh, Tương tư… mà mùa 1 từng làm được. Trong tình trạng tương tự là một số chương trình mới gây chú ý năm 2017 như: Hát mãi ước mơ, Giọng ải giọng ai…

Trong sự phát triển ấy, người ta thấy sự giảm sút rõ rệt về độ phủ sóng trên các phương tiện truyền thông của đa số các chương trình sau 1, 2 mùa đầu tiên. Xét về rating, theo Vietnamtam - Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình, trong 6 tháng đầu năm 2017, hệ thống đo 178 kênh truyền hình, có 162 chương trình gameshow được phát sóng. Nhưng so với cùng kỳ năm 2016, thị phần khán giả đã sụt giảm nghiêm trọng.

Đơn cử theo từng chương trình, năm 2017, The Face mùa 2 có rating trung bình đạt 4,96%, thấp hơn mùa 1 khoảng 0,98%. Một chương trình khác là Vietnam’s Next Top Model cũng có rating giảm sút trầm trọng ở mùa thứ 8 (2017) với mức rating trung bình là 1,96% dù đây là mùa “all star” (dành cho những thí sinh từng tham gia chương trình). Trong khi mùa 7, chương trình này đạt rating 2,2%.

Đau đầu tìm format mới

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Mega GS tiết lộ, khi đi mua format các chương trình ở nước ngoài, những công ty đa quốc gia nhận xét, không có đất nước nào ngốn format (cách thức định dạng chương trình) nhiều như ở Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam “khát” format đến nỗi trên thế giới có những chương trình mới sản xuất thử, Việt Nam đã mua và sản xuất luôn. Bởi, những format cũ đã dùng hết và buộc phải tìm cái mới. Lý giải điều này, bà Bích Liên phân tích, trước đây, các chương trình gameshow chỉ được phát sóng trên các kênh lớn như: HTV7, VTV3, VTV6, THVL vào một khung giờ cuối tuần. Hiện nay, gameshow được phát sóng trải đều các ngày trong tuần. Chưa kể, có những ngày lại có 2 khung giờ khác nhau cho gameshow.

Chính vì nhiều như vậy nên khán giả có đa dạng “món ăn” để lựa chọn, từ đó dẫn tới việc những chương trình không hấp dẫn sẽ nhanh chóng bị bỏ qua. Thêm vào đó, xu hướng khán giả “cả thèm chóng chán”, hay chạy theo xu hướng đám đông và dễ bị ảnh hưởng bởi người khác cũng khiến các chương trình nhanh chóng giảm nhiệt.

Đặc biệt, việc có quá nhiều gameshow cũng khiến các chương trình trở nên cạn nguồn thí sinh. Nhiều thí sinh nhẵn mặt hết chương trình này tới chương trình khác. Đó cũng là lý do khiến khán giả nhanh nhàm chán mặc dù, vẫn có những chương trình có chất lượng thí sinh tương đối đảm bảo không chỉ ở một, hai mùa đầu.

“Càng ngày, các công ty càng giảm bớt chi phí sản xuất. 1,2 năm trở lại đây, một số nhà sản xuất không dám quá mạo hiểm nữa. Ví dụ, thay vì quay 11 máy, họ có thể rút xuống 8-9 máy. Bởi vì, đầu tư rồi có thu lại được hay không là vấn đề khác. Đừng nghĩ chương trình nào cũng có lãi. Đài không trả tiền, tiền thu được phụ thuộc vào quảng cáo. Nhưng quá nhiều chương trình nên chắc chắn sẽ có chương trình lỗ vốn”, bà Bích Liên tâm sự.

Vì thế, chiêu trò được sử dụng trong nhiều chương trình cũng ngày một đa dạng. Tuy nhiên, do đang “bội thực” nên khán giả cũng không bị cuốn vào các chiêu trò nữa. Điều này khiến không chỉ nhà sản xuất mà ngay cả thí sinh có tài năng cũng thiệt thòi, vì không còn được chú ý như trước đây.

Ông Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio nhìn nhận, vẫn có những chương trình của công ty ông thực hiện, mùa sau có rating tăng trưởng và hiệu ứng cao hơn mùa trước như: Hãy nghe tôi hát, Tình khúc vượt thời gian. Thế nhưng, ông Phú thừa nhận, về tổng thể thị trường gameshow đang giảm nhiệt. “Nhà sản xuất cần biết cách làm mới hoặc đánh bóng chương trình, chứ để rập khuôn thì rất khó thành công trong những mùa sau. Còn nếu không thay đổi được chỉ còn cách tốt nhất là tìm format mới”, ông Phú chia sẻ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.