Một học sinh trường THCS Khương Thượng đang tìm mua món quà nhỏ ý nghĩa tặng thày cô giáo |
"Phong bì" sẽ khiến trò hiểu sai
Chiều 17/11, bãi giữ xe của Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, HN) đông hơn ngày thường. Bác trông xe cho hay, nhiều phụ huynh gửi xe vào trường để chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong dòng phụ huynh đang hướng vào các lớp học, có thể nhận thấy, hoa, quà chỉ là số ít. Chị Hoa, một phụ huynh học sinh cho biết, phụ huynh bận mà thày cô cũng bận, cứ phong bì cho tiện cả đôi bên.
Theo chị Hương, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, HN), người nhà chị cũng là giáo viên, cứ mỗi dịp 20/11 là nhà lại “ngập” các món quà như: Hoa, dầu gội, sữa tắm... “Hết 20/11, cô lại chia cho khắp họ hàng, bạn bè dùng hộ. Rút kinh nghiệm, mình tặng thày cô phong bì phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mình”, chị Hương nói.
"Quà tri ân thày cô là đúng, nhưng đừng thành gánh nặng cho phụ huynh. Cũng như phụ huynh cần thể hiện sự chân thành trong mỗi món quà. Ý nghĩa của ngày tri ân thày cô giáo mới thật tròn đầy nếu tất cả làm được điều đó”. Thày Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội |
Tuy nhiên, cô giáo Hoàng Hà (Trường Tiểu học Giáp Bát, HN) cho biết, cô đã từ chối khi phụ huynh đưa phong bì trước mặt nhiều học sinh nhân ngày 20/11. “Có thể tấm lòng của phụ huynh chân tình, nhưng hình ảnh đó có thể khiến học trò hiểu sai.
Với chúng tôi, niềm vui của ngày Nhà giáo Việt Nam chỉ thật trọn vẹn khi nhận được lời chúc từ tâm của học trò và mọi người xung quanh. Đôi khi món quà chỉ đơn giản là tấm bưu thiếp do học trò lớp 2 tự làm kèm lời chúc ý nghĩa cũng khiến tôi xúc động”, cô Hà nói.
Cô giáo Hương Lan (Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, HN) cũng cho rằng, niềm vui của mỗi giáo viên không phải là nhận được món quà gì từ phụ huynh, học sinh, mà là nhận thấy tình cảm của phụ huynh, học sinh trong sự tri ân ấy. “Có lần, một phụ huynh đợi tôi ở cổng, rụt rè bảo nhà chị nghèo, ở quê ra nên chỉ có thể mang biếu cô chục cân gạo để cảm ơn cô đã kèm cặp con mình tiến bộ. Dù từ chối nhận món quà đó, nhưng tôi thật sự rất cảm động”, cô Hương Lan tâm sự.
Nhận thiệp chúc mừng điện tử
Từ ngày 16/11, Bộ GD&ĐT đã ra thông báo gửi đến các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư; UBND các tỉnh, thành phố, trường học, cơ sở GD&ĐT thông báo không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng ngày 20/11. “Bộ GD&ĐT vui lòng được nhận thiệp chúc mừng điện tử tại địa chỉ hộp thư bogddt@moet.edu.vn, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Phương cho hay.
Ngay sau đó, Sở GD&ĐT TP HCM và một số địa phương, trường học cũng thông báo không nhận hoa, quà, tiếp khách ngày 20/11. Trường Mẫu giáo tư thục Duy An (phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM) đã dán thông báo: “Xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào” trước cổng trường. Theo Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, đây là hành động thể hiện tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí của ngành GD&ĐT, đáng ủng hộ, nhân rộng.
Không chỉ có vậy, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam đầy ý nghĩa, Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội còn kêu gọi ủng hộ gạo cho đồng bào miền núi khó khăn. “Chúng ta có cơm ăn mỗi ngày, nhưng nhiều người bị đứt bữa. Chúng ta còn khó khăn, nhưng nhiều người còn không biết ngày mai sẽ sống như thế nào. Nhân dịp 20/11, các thày cô sẽ góp gạo (only rice - chỉ gạo), để trao tặng bà con nghèo. Thay vì tặng hoa và phong bì (trong có tiền), các vị phụ huynh và học sinh hãy góp gạo để cùng chúng tôi giúp đỡ những người đang đói bụng trong sương lạnh của mùa đông miền Bắc”, thông báo của trường viết.
Theo thày Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng nhà trường, đây là hoạt động được toàn thể giáo viên trong trường đồng tình ủng hộ. “Tiền tiêu bao nhiêu cũng hết, hoa thì héo nhanh, vì vậy chúng tôi chỉ nhận gạo”, thày Đạt dí dỏm.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận