Hãng xe General Motors (GM) của Mỹ dự định ra mắt phương tiện có khả năng kết nối 5G vào đầu năm 2022, cung cấp nền tảng để mở rộng thêm công nghệ tích hợp trên xe, khả năng kết nối giữa các phương tiện cùng tham gia giao thông trên đường. Đáng chú ý, GM nhắm tới trước mắt lại là thị trường Trung Quốc chứ không phải thị trường Mỹ.
Toàn bộ mẫu Cadillac sẽ được trang bị công nghệ kết nối 5G
Ông Julian Blissett, Phó chủ tịch điều hành GM, Chủ tịch GM chi nhánh Trung Quốc cho biết, toàn bộ mẫu xe Cadillac và hầu hết những mẫu xe mới như Buick và Chevrolet đều được trang bị công nghệ kết nối 5G trong 2 năm tới. Đây là một phần trong kế hoạch “Ngày Công nghệ” dành cho Trung Quốc.
Động thái nâng cấp này sẽ mang đến khả năng kết nối nhanh hơn từ xa và qua vô tuyến, giao tiếp giữa các phương tiện (vehicle to vehicle - V2V), giữa phương tiện với hạ tầng như thành phố thông minh và tín hiệu giao thông (vehicle to infrastructure - V2I).
Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện cho các công nghệ tiên tiến như xe tự hành, hệ thống trợ lái vốn phụ thuộc nhiều khả năng kết nối, bản đồ, để có thể chạy mượt, giảm thiểu độ trễ. Nhờ đó, phương tiện sẵn sàng dừng trước đèn tín hiệu, tự đưa ra các hướng đi hiệu quả, hỗ trợ ngăn chặn tai nạn nhờ khả năng nhận diện dòng chuyển động của các xe xung quanh.
Hơn nữa, GM cũng dự kiến xây dựng xong giải pháp phương tiện kết nối thông minh “xe và vạn vật” (vehicle-to-everything - V2X) toàn cầu đầu tiên và ra mắt trong năm nay, trên dòng xe minivan Buick GL8 MPV tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo báo điện tử CNBC, khi được hỏi về kế hoạch tương tự cho thị trường Mỹ, đại diện hãng xe từng được coi là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ từ chối bình luận.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, khu vực Bắc Mỹ cũng có tầm quan trọng với GM nên thị trường Mỹ có lẽ sẽ không bị bỏ lại quá lâu. Hiện tại, theo thông tin từ Chủ tịch GM, hãng đang sở hữu hơn 5,5 triệu phương tiện có khả năng kết nối 5G ở Trung Quốc, trong khi đó ở Mỹ con số này là 16 triệu.
Nhân tố quyết định là…
Việc GM ưu tiên Trung Quốc trước có lẽ là do đại lục không chỉ là thị trường ô tô hấp dẫn mà còn sở hữu nền tảng mạng không dây 5G lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cung cấp, tính đến tháng 3 năm nay, các tập đoàn lớn trong ngành viễn thông của Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom đã xây dựng tổng cộng 200.000 trạm cơ sở 5G.
Chính quyền Bắc Kinh coi hoạt động triển khai 5G và các trung tâm dữ liệu lớn là yếu tố cơ bản của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia, nhằm thúc đẩy kết nối tốt hơn cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước.
Chính sự quan tâm sát sao và rốt ráo của Trung Quốc là điểm khác biệt khiến các công ty như GM đưa quốc gia này vào kế hoạch ưu tiên. Bà Dan Wang, nhà phân tích đến từ The Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist đánh giá: “Chính quyền tại Mỹ và các nước châu Âu không thể triển khai 5G trên quy mô quốc gia như Trung Quốc. Bắc Kinh là ứng viên tiềm năng tốt nhất để triển khai hệ thống giao thông thông minh vì chính quyền trung ương nắm trong tay tiềm lực, kêu gọi, tập hợp các công ty ô tô, các nhà mạng và đơn vị xây dựng hạ tầng”.
Dẫu vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng, đối với Trung Quốc hay bất cứ nước nào, việc xây dựng một hạ tầng khổng lồ bao gồm 5G và hoàn chỉnh hệ thống V2X đều đòi hỏi thời gian và nỗ lực đầu tư lớn.
Bắc Kinh chưa bao giờ tiết lộ công khai quy mô đầu tư cần thiết để xây dựng mạng lưới 5G toàn quốc nhưng theo tính toán của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Unicom Trung Quốc, ông Zhang Yunyoung, nước này cần tới 10 triệu trạm cơ sở 5G để có thể bao phủ hoàn chỉnh mạng lưới kết nối không dây, đồng nghĩa chi phí lên tới 2 nghìn tỷ nhân dân tệ. “Đây là con số khổng lồ đối với 3 nhà mạng kể trên của Trung Quốc”, ông Zhang nói.
Động cơ đốt trong đang dần đi vào suy thoái và xu hướng xe điện lên ngôi, ô tô tương lai sẽ là những chiếc xe thực sự thông minh, hiểu ý chủ nhân, kết nối mạnh mẽ và tự xử lý được việc lái xe.
Những chiếc xe kết nối sẽ cần đến một chìa khóa quan trọng đó chính là kết nối 5G - nền tảng truyền dữ liệu có đủ “năng lượng” để giúp ô tô tương lai thực hiện được những tác vụ khó nhất. Với tốc độ truyền tải dung lượng lớn, không bị gián đoạn, độ trễ thấp, kết nối 5G sẽ giúp ô tô giao tiếp được với môi trường xung quanh tốt hơn và sẽ có thể tiến tới tự hành hoàn toàn mà không cần đến sự can thiệp của tài xế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận