Vì sao chuyển từ phí thành giá BOT? |
Hỏi: Trước đây, các trạm BOT giao thông tiến hành thu phí để hoàn vốn đầu tư, nhưng gần đây lại xuất hiện thuật ngữ thu giá BOT và tên gọi các trạm thu phí BOT cũng được chuyển thành trạm thu giá BOT. Vì sao lại có sự chuyển đổi thuật ngữ như vậy? Bản chất giữa thu phí và thu giá có gì khác nhau?
Ngọc Quỳnh (TP Phủ Lý, Hà Nam)
Trả lời:
Việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Trong đó, kể từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định. Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.
Trước khi Luật Phí và lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng. Trong đó, mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể và mức phí nằm trong quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính.
Sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành, căn cứ Nghị định 149/2016 của Chính phủ, ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Điều 6 của Thông tư 35/2016.
Về bản chất, khi chuyển từ thu phí BOT sang thu giá BOT, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Đỗ Văn Quốc
Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận