Đô thị

Vì sao Hà Nội dự kiến tăng giá vé xe buýt từ năm 2024?

17/10/2023, 20:56

Sở GTVT Hà Nội vừa có Tờ trình UBND TP Hà Nội về điều chỉnh giá vé xe buýt đối với các tuyến có trợ giá trên địa bàn.

Tăng doanh thu, giảm trợ giá, đảm bảo cân đối ngân sách

Tại Tờ trình số 1035 gửi UBND TP, Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội điều chỉnh giá vé xe buýt đối với các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn kể từ ngày 1/1/2024.

Cụ thể, với giá vé lượt, cự ly dưới 15km có mức điều chỉnh thấp nhất, từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25km, từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30km, từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40km, từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.

Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Trong đó, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).

Vì sao Hà Nội dự kiến tăng giá vé xe buýt từ năm 2024? - Ảnh 1.

Hành khách sử dụng xe buýt để đi lại trên địa bàn Hà Nội.

Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.

Ngân sách TP hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ 30% vé tháng với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh theo hướng tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Từ năm 2014 đến nay, TP đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. 

Trong khi đó, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Việc tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách của TP.

Chi tiết hơn, theo ông Thường, chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt tăng cao, theo đơn giá mới đã được Ban cán sự Đảng UBND TP thông qua (sửa đổi Quyết định 1494) thì đơn giá vận hành 01km trung bình của 3 loại xe buýt thông thường là 21.080 đồng (tương đương tăng 46,95% so với năm 2014). 

Bên cạnh đó đơn giá vận hành 01km cho các loại hình xe buýt năng lượng sạch cũng cao hơn nhiều so với loại buýt thường.

Cụ thể, buýt điện là 27.929 đồng (tăng 62% so với buýt thường năm 2014); buýt CNG là 21.821 đồng (tăng 48,6% so với buýt thường năm 2014). Như vậy, theo số liệu trên thì đơn giá chi phí vận hành 01Km cho xe buýt phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thời điểm hiện nay tăng trung bình chung so với năm 2014 là khoảng 48% (chưa tính đến việc điều chỉnh giá nguyên nhiên liệu theo từng thời điểm.

Hơn nữa, đánh giá của đơn vị quản lý xe buýt, cơ cấu vé và giá vé hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014 mạng lưới tuyến có 72 tuyến và nhánh tuyến chưa phủ rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội, tuyến có cự ly dài nhất là 49,9 km. 

Đến nay tại sau 9 năm thì mạng lưới các tuyến buýt có 132 tuyến phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05 km. Giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp với cự ly di chuyển của hành khách.

Khả năng chi trả của hành khách tăng

Theo phân tích của Sở GTVT Hà Nội với UBND TP, khả năng chi trả của hành khách tăng, trong những năm gần đây mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể.

Năm 2022 thu nhập bình quân của người dân Hà Nội xấp xỉ đạt 8,4 triệu đồng (theo số liệu công bố tại báo nghề nghiệp cộng sống) tăng 75% so với năm 2014 nên khả năng chi trả cho đi lại bằng xe buýt cũng tăng.

Theo thông tin từ một số khảo sát thì khả năng chi tiêu tối đa cho nhu cầu đi lại khoảng 10%. Vì vậy khả năng chi trả trung bình cho nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội hiện nay khoảng trên 800.000 đồng/tháng nên việc điều chỉnh giá vé xe buýt hiện nay là phù hợp và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.

Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội cũng lý giải việc tăng giá vé còn để tạo khả năng cân đối ngân sách TP, bởi hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên ảnh hưởng thu ngân sách của TP và đồng thời chi phí cho VTHKCC bằng xe buýt tăng dần qua các năm. Nếu tiếp tục giữ nguyên giá vé thì trong thời gian tới khả năng cân đối ngân sách để chi cho hoạt động VTHKCC gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là chi cho việc đầu tư đổi mới phương tiện năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ.

"Thực tế những năm qua, hàng năm ngân sách nhà nước phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn để trợ giá cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (năm 2014 có 72 tuyến buýt và chi phí 1.078,25 tỷ đồng/năm trợ giá; đến năm 2023 có 132 tuyến buýt và chi phí trợ giá dự kiến là khoảng 2.754,15 tỷ đồng và tăng gấp 2,55 lần so với với năm 2014).

Trong những năm qua các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động này đã có rất nhiều thay đổi tăng cao so với trước đây như: Giá nguyên nhiên liệu, tiền lương... cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ đối tượng người dân tham gia dịch vụ này được mở rộng dẫn đến chi phí trợ giá cao trong khi đó giá vé xe buýt hiện nay vẫn thực hiện theo giá vé từ năm 2014. 

Sau 9 năm chưa được điều chỉnh gây áp lực, khó khăn lớn cho việc cân đối ngân sách nhà nước hàng năm để trợ giá cho hoạt động này. Từ thực tế nêu trên, việc áp dụng giá vé xe buýt từ năm 2014 là không còn phù hợp và việc điều chỉnh giá vé xe buýt tại thời điểm hiện nay là rất cần thiết" Sở GTVT Hà Nội nêu rõ sự cần thiết phải điều chỉnh giá vé xe buýt.

Đánh giá về tác động khi tăng giá vé xe buýt, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, năm 2023 sản lượng hành khách có dấu hiệu phục hồi, dự kiến sau khi cơ cấu lại giá vé ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý hành khách, dẫn đến sản lượng ban đầu giảm nhẹ, sau đó sẽ tăng trở lại.

Phương án này được áp dụng vào thực tế sẽ tác động không lớn đến hành khách đi xe buýt, đặc biệt là khách vãng lai (sử dụng vé lượt). Mặc dù sản lượng giảm nhẹ nhưng doanh thu lại tăng thêm.

Thời điểm năm 2014 khi điều chỉnh giá vé thì sản lượng vé tháng giảm 3% còn doanh thu lại tăng 15%, sản lượng vé lượt giảm 10% nhưng doanh thu lại tăng 20% so với tháng trước điều chỉnh.

Theo dự kiến, doanh thu tăng thêm sau khi thực hiện phương án cơ cấu giá vé và điều chỉnh giá vé tăng 302,3 tỷ đồng (tăng 52% so với năm 2023). Cụ thể: Doanh thu vé tháng đạt 260,75 tỷ đồng tăng thêm 73,62 tỷ đồng; Doanh thu vé lượt đạt 618,27 tỷ đồng tăng thêm 228,68 tỷ đồng.

Giá vé đề xuất điều chỉnh như trên đảm bảo nhóm người có thu nhập thấp có thể tham gia phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt; tiếp tục duy trì chính sách ưu tiên học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phục vụ để người dân lựa chọn phương tiện xe buýt cho nhu cầu đi lại trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt nâng cao trách nhiệm cùng chia sẻ một phần khó khăn với thành phố trong bối cảnh khả năng cân đối ngân sách để chi cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Việc điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt và vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác. Đảm bảo giá vé phù hợp và công bằng cho hành khách sử dụng đối với chuyến đi có các cự ly ngắn và dài.

Từ đây, Sở GTVT Hà Nội đề nghị UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh giá vé xe buýt trong tháng 12, áp dụng từ 1/1/2024.

Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có 2.034 xe buýt, trong đó 277 xe sử dụng năng lượng sạch.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.