Chỉ cần dùng tay cạy là đá đã bật lên |
Đá vừa lát đã bong tróc, nứt vỡ
Đó là thực tế mà PV Báo Giao thông ghi nhận được tại một số tuyến phố trên một số quận của Hà Nội. Điển hình như trên các tuyến phố Trung Kính, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), đá vừa được lát nhưng đã bị xô lệch, xuống cấp trầm trọng, các vết nứt xuất hiện dày đặc. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại địa bàn quận Thanh Xuân, điển hình là tuyến phố Lê Trọng Tấn. Nhiều phần đá bị hư hỏng, vỡ thành nhiều mảnh, thậm chí có thể cầm tay nhấc nhẹ đá cũng bật bung lên khỏi mặt đất, không có sự kết dính với cốt nền. Tương tự, tại phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm)… một số vị trí lát đá tự nhiên đã xuất hiện vết nứt.
Trả lời báo chí, ông Trần Việt Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận có chuyện nhiều tuyến phố, dù gạch cũ vẫn còn tốt nhưng vẫn bị cạy lên để lát đá tự nhiên. Tuy nhiên, ông Trung lại cho rằng, các quận huyện đang “hiểu sai ý kiến chỉ đạo của thành phố”. Trước câu hỏi thành phố chi bao nhiêu tiền cho việc lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên, ông Trung từ chối trả lời. Trong khi đó, ngày 4/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Thanh tra TP kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của UBND TP về thiết kế hè đường đảm bảo văn minh đô thị tại các quận. Quá trình kiểm tra sẽ tập trung vào một số dự án lát vỉa hè đã và đang triển khai thực hiện tại các quận, làm rõ về chất lượng công trình, trong tháng 12 này phải có báo cáo. |
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc tổ chức lát vỉa hè ồ ạt như vậy dễ làm nhiều người nghĩ rằng các quận, huyện làm như vậy là để tiêu hết tiền ngân sách. “Không phải bây giờ mà trước đây tôi quan sát vẫn thấy như thế, cứ đến dịp cuối năm còn dư tiền là vỉa hè còn tốt mấy cũng đào bóc lên để lát lại, chưa kể lát mới”, ông Liêm nói.
TS. Liêm cũng cho rằng, lần này Hà Nội tổ chức lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, đây là vật liệu hoàn toàn mới nên lẽ ra phải tổ chức thí điểm lát một đoạn vỉa hè nào đó. Từ đó mới tiến hành nghiệm thu, đưa ra quy trình kỹ thuật lát vỉa hè theo tiêu chuẩn nhất định, sau đó mới tổ chức mở rộng ra toàn thành phố. Nhưng thực tế vừa qua cho thấy, việc này đã không được coi trọng, dẫn tới việc bong tróc, hư hỏng ngay khi vừa lát xong. “Sự xuống cấp của những tuyến vỉa hè mới lát có 3 nguyên nhân: thứ nhất là chất lượng của đá không tốt, do nghiệm thu không chặt chẽ. Thứ hai là thi công không theo quy chuẩn, đã có phản ánh là thợ thi công chỉ đổ cát xuống rồi lát đá mà không có vữa, xi măng ở dưới. Thứ ba, tôi cho rằng việc giám sát thi công có vấn đề, có thể họ nghĩ đây là công việc đơn giản nên đã thờ ơ, coi thường”, ông Liêm phân tích.
Không “cạy lên, lát mới” những vỉa hè còn tốt
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, dự án lát vỉa hè là của các quận, huyện tự lập và đấu thầu thi công, Sở chỉ thực hiện công tác thẩm định thiết kế. “Dự án lát vỉa hè nằm trong dự án chỉnh trang các tuyến phố tại các quận, huyện. Theo đó, các quận, huyện xin dự án trong danh mục đầu tư công, dự án chỉnh trang các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn rồi trình Sở KH&ĐT và UBND TP phê duyệt, sau đó về địa phương triển khai. Việc lát vỉa hè chỉ là một phần, còn dự án có nhiều hạng mục khác nhau”, vị này giải thích và cho biết thêm, sau khi báo chí phản ánh, Sở đã tham mưu cho thành phố yêu cầu các quận, huyện rà soát lại, những tuyến đường nào đảm bảo chất lượng thì vẫn tiếp tục sử dụng, chỉ những tuyến nào xuống cấp, hư hỏng mới triển khai lát đá tự nhiên.
Trả lời câu hỏi của PV: “Có hay không việc lát đá ồ ạt để kịp giải ngân?”, ông Phùng Khắc Trung, Trưởng phòng Quản lý dự án, Ban Quản lý dự án UBND quận Nam Từ Liêm cho biết: “Dự án Cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật quận Nam Từ Liêm tại tuyến Nguyễn Cơ Thạch, điểm đầu giao với đường Hồ Tùng Mậu, điểm cuối giao đường Trần Hữu Dực với tổng chiều dài là 600m được lập kế hoạch từ tháng 6/2016 đến thời điểm năm 2017 đã sắp kết thúc. Vì vậy, quận triển khai dự án không phải để giải ngân vì sắp hết năm”. Theo ông Trung, các tuyến được lát bằng đá xẻ với dự toán được phê duyệt là 300.000 đồng/m2. Việc thi công được đấu thầu rộng rãi. “Đối với các dự án đang làm, trong thời gian bảo hành, nếu hư hỏng, đơn vị thi công sẽ phải sửa chữa. Hết thời gian bảo hành, quận sẽ giao cho đơn vị duy tuy sửa chữa thường xuyên”, ông Trung nói.
Còn ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận có 169 tuyến phố, việc triển khai lát đá được thực hiện từ năm 2007, 2008 đến nay. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã lát vỉa hè loại đá xanh Thanh Hóa được 79 tuyến phố. Tính chung, quận đã tổ chức lát được 153 tuyến. Theo đơn giá của thành phố quy định thì khoảng 550.000 đồng/m2. Việc thi công cũng được đấu thầu công khai. Ông Tùng cũng khẳng định không có chuyện ồ ạt lát đá để giải ngân mà việc này đều có lộ trình từ trước theo dự án chỉnh trang đô thị của quận. Hiện quận đang cho triển khai lát 4 tuyến vỉa hè trên các phố: Quang Trung, Ngô Văn Sở, Lê Thánh Tông và Phan Huy Chú.
Liên quan đến việc vỉa hè trên phố Trung Kính, Trần Duy Hưng xuống cấp, ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định, các vị trí này không phải đá tự nhiên, mà đây chỉ là loại gạch giả đá. “Quận đã cho kiểm tra tại các vị trí này, nếu hỏng hóc nhỏ sẽ tiến hành sửa chữa ngay”, ông Hà thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận