Thời sự

Vì sao HAGL không nộp số tiền nợ 106,4 tỷ đồng tại Cục Thuế Gia Lai

23/04/2019, 18:54

Đại diện HAGL cho rằng do cách hiểu của Nghị định và bản chất của việc thu thuế là chưa đúng nên đang kiến nghị làm rõ phải nộp số tiền 106 tỷ.

img
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.

Ngành Thuế Gia Lai tự chấn chỉnh

Ngày 24/4, ông Đoàn Khánh Vân – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai cho biết số tiền nợ thuế và tiền phạt do KTNN xác định đối với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đang trong giai đoạn nghiên cứu xử lý, vì đã có ý kiến khiếu nại của doanh nghiệp, nên chưa thể thực hiện cưỡng chế theo kiến nghị và chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.

KTNN khu vực XII nêu rõ: Việc xác định lại chi phí lãi vay phát sinh cả năm theo mức khống chế là đúng quy định hiện hành tại khoản 3, điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Dù vậy, cơ quan KTNN khu vực XII sau khi xem xét nội dung kiến nghị của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai đã trả lời: "Tuy nhiên, theo trình bày của doanh nghiệp điều khoản nghị định trên còn nhiều điểm bất hợp lý, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn, chưa đúng bản chất của Nghị định là chống chuyển giá. KTNN đề nghị Cty CP Hoàng Anh Gia Lai kiến nghị bộ Tài chính và Chính phủ xem xét".

Liên quan đến số tiền 149,4 tỷ mà đơn vị KTNN khu vực XII kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu truy thu. Trong đó, ngành Thuế tỉnh này mới chỉ thu được 3,4 tỷ đồng trong tổng số số tiền trên. Cục Thuế Gia Lai cho biết đã làm việc với các đơn vị bị yêu cầu truy thu, trong đó có khoản tiền thuế lớn nhất liên quan đến Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là 106,4 tỷ đồng.

Trả lời Báo Giao thông, ông Đoàn Khánh Vân - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai cho biết, số tiền mà KTNN xác định truy thu gồm: 88,7 tỷ đồng tiền truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt vi phạm bằng 20% số tiền nêu trên, 17,7 tỷ đồng, do loại trừ chi phí lãi vay giao dịch liên kết từ khoản chi phí lãi vay 1.010,8 tỷ đồng. Việc tính toán số tiền trên được xác định căn cứ theo khoản 3, điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ban hành ngày 24/2/2017.

Ông Vân cho biết, sau khi KTNN kiến nghị truy thu, đơn vị đã tiến hành làm việc với ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc Cty CP HAGL và kế toán của công ty. Theo đó, đơn vị HAGL đang tiến hành kiến nghị với cơ quan KTNN về việc không đồng ý việc loại trừ chi phí lãi vay và không đồng ý với việc truy thu và phạt số tiền trên. Cũng vì thế nên Cục Thuế chờ chỉ đạo tiếp theo để xác định lại vấn đề "có hay không" việc truy thu nguồn thuế trên.

Đến thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa thực hiện các biện pháp xử lý nợ thuế theo quy định pháp luật như: các biện pháp cưỡng chế nợ thuế như: đình chỉ hoá đơn, kê biên tài sản, đóng mã số thuế hoặc kiến nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh...

Cũng theo ông Vân, sau khi KTNN chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại cơ quan Thuế của tỉnh, đơn vị đã tiến hành kiểm tra trong toàn ngành và đưa ra những biện pháp khắc phục để nhằm tăng nguồn thu từ thuế vào ngân sách nhà nước, nguồn thu của tỉnh. Trong đó có áp dụng các biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; chấn chỉnh công chức thuế trong thực hiện nhiệm vụ...
HAGL nói gì về nợ thuế Gia Lai 106,4 tỷ đồng

Theo HAGL, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ban hành ngày 24/2/2017 giải thích chưa rõ ràng. DN cho rằng nghị định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có liên kết giao dịch liên kết. DN cũng đề nghị KTNN và ngành thuế xem xét lại và không truy thu thuế.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Trường Sơn- Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết: "Công ty chúng tôi khi nghiên cứu thực hiện còn lúng túng với nhiều quan điểm, nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi đó, các cơ quan thuế hiện nay cũng có nhiều quan điểm và hướng dẫn khác nhau; Không thống nhất, chưa xác định đúng mục đích của Nghị định là chống chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước".

"Công ty có nhiều công ty con thực hiện một hoặc nhiều dự án, nhưng các công ty này khi cần vốn đầu tư thực hiện dự án phải đi vay ngân hàng thì không đủ uy tín để ngân hàng cấp tín dụng. Vì vậy, công ty mẹ phải dùng uy tín của mình để vay ngân hàng, sau đó cho các công ty con vay lại với cùng mức lãi suất vay ngân hàng để thực hiện dự án. Đây là hình thức một giao dịch liên kết không làm thất thu ngân sách Nhà nước vì công ty mẹ hạch toán thu nhập lãi cho vay thu từ công ty con vào doanh thu chịu thuế và công ty con thì hạch toán chi phí lãi vay trả cho công ty mẹ vào chi phí tính thuế. Trớ trêu thay, Nghị định 20/2017/NĐ-CP lại khống chế và loại trừ cả “lãi vay mà công ty mẹ trả ngân hàng” và “lãi vay mà công ty con trả công ty mẹ”. Điều này cho thấy có cái gì đó chưa hợp lý về logic và cũng không đúng với mục tiêu chống thất thu thuế", ông Sơn bày tỏ băn khoăn trong thực hiện Nghị định.

“Chúng tôi cũng đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và cũng đã trình bày với các đại biểu Quốc hội. Chúng tôi mong rằng Nghị định 20 sớm được sửa đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con”, ông Võ Trường Sơn cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.