Từ cái nôi này, nhiều cái tên tỏa đi khắp nơi, nhiều người trở thành ngôi sao lớn của bóng đá Việt Nam.
Dư sức lập đội hình đá V-League
Trên bản đồ bóng đá Việt Nam, Hải Dương hoàn toàn không xuất hiện, bởi địa phương này không có CLB chuyên nghiệp thi đấu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, không phải vì thế mà Hải Dương bị lãng quên khi rất nhiều người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này đang thành danh ở các đội bóng lớn.
Làm bóng đá học đường phải nhiệt huyết. Cách làm như nhau, khác nhau ở chỗ anh có quyết tâm làm hay không. Nhiều địa phương từng tới học hỏi kinh nghiệm của Hải Dương, xin đề án phát triển bóng đá học đường của chúng tôi nhưng về áp dụng thực tế lại kém hiệu quả. Bên cạnh đó, muốn làm tốt bóng đá học đường cần bám sát mặt trận giáo dục, đưa ra những kế hoạch phù hợp.
Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể thao Hải Dương
Nổi bật nhất là bộ đôi Nguyễn Văn Toàn - Vũ Văn Thanh của HAGL, hai cầu thủ từng cùng U23 Việt Nam chinh chiến tại giải U23 châu Á 2018 và giành ngôi Á quân. Riêng Văn Toàn còn góp công giúp Olympic Việt Nam vào top 4 đội mạnh nhất ASIAD 2018, là thành viên tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch tại AFF Cup 2018, vào top 8 Asian Cup 2019. Văn Thanh do chấn thương nên bỏ lỡ những chiến dịch còn lại trong năm 2018, đầu năm 2019.
Trong màu áo HAGL còn có hai cái tên khác tới từ Hải Dương gồm: Triệu Việt Hưng và Lê Văn Sơn. Tuy nổi lên sau so với Văn Toàn, Văn Thanh nhưng cả hai đều hứa hẹn sẽ sớm ghi dấu ấn bởi là mắt xích quan trọng của tuyển U22 Việt Nam dự SEA Games vào cuối năm nay.
Phạm Đức Huy của CLB Hà Nội cũng sinh ra ở Hải Dương. Anh gia nhập lò đào tạo trẻ của Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội trước khi được chuyển giao cho CLB Hà Nội. Tiền vệ này tuy không có những điểm nổi bật nhưng bù lại chơi cần mẫn, đa năng và rất nhiệt huyết. So với nhóm cầu thủ HAGL, bảng thành tích của Đức Huy còn ấn tượng hơn khi ngoài chức vô địch AFF Cup 2018, anh đã cùng Hà Nội lên ngôi cao nhất tại V-League 2018.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những cái tên như: Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Đại, Trương Tiến Anh, Nguyễn Đức Chiến (Viettel); Nguyễn Xuân Nam (Sài Gòn FC); Mạc Đức Việt Anh, Phạm Xuân Tạo (SHB Đà Nẵng).
Như vậy, ngoại trừ vị trí thủ môn, Hải Dương dư sức xếp được một đội hình cạnh tranh sòng phẳng với các đội bóng tại V-League.
Nếu miễn cưỡng điền tên Nguyễn Tiến Linh hay Mạc Hồng Quân, hai cầu thủ gốc Hải Dương nhưng rời quê hương từ nhỏ, đội hình những ngôi sao còn mạnh hơn vài phần. Điểm chung của hầu hết các cầu thủ vừa nêu là đều trưởng thành từ bóng đá học đường Hải Dương trước khi được các lò đào tạo danh tiếng như Viettel, Hà Nội hay HAGL trải thảm đỏ đón về.
Nhìn vào dàn sao này, không ngạc nhiên khi ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể thao Hải Dương cảm thấy tiếc nuối vì địa phương không sở hữu đội bóng chuyên nghiệp.
Chỉ đầu tư bóng đá học đường
Sở dĩ Hải Dương sản sinh nhiều cầu thủ nổi tiếng do địa phương này cực kỳ chú trọng vào khâu đào tạo trẻ với hai lứa U11 và U13. Tính từ năm 2007 tới nay, Hải Dương đã 8 lần lọt vào chung kết, 5 lần vô địch giải Nhi đồng toàn quốc (U11). Trong đó có ba chức vô địch liên tiếp vào các năm 2013, 2014 và 2015. Giải Nhi đồng đầu tiên mà Hải Dương vô địch là năm 2007 cũng chính là giải đấu Văn Toàn, Văn Thanh được phát hiện.
Ở cấp độ U13 (Thiếu niên), Hải Dương không giữ được ưu thế tuyệt đối nhưng vẫn sở hữu thành tích ấn tượng. Từ năm 2011 tới nay, Hải Dương luôn nằm trong tốp 8 đội mạnh nhất. Năm 2014, Hải Dương chỉ chịu thua đương kim vô địch Sông Lam Nghệ An ở trận chung kết trên chấm 11m. Năm 2018, đội bóng trẻ đất bánh đậu xanh về thứ ba.
Để có được thành tích như vậy, theo ông Thịnh, Hải Dương đã và đang phát triển từ chân đế bóng đá học đường. Hải Dương hiện duy trì hai hệ thống giải nhi đồng. Hệ thống đầu tiên gồm 12 giải đấu cấp huyện dành cho tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Các giải này được tổ chức mỗi năm một lần vào khoảng tháng 6. Hệ thống thứ hai là các giải U10 tổ chức trong kỳ nghỉ hè do Đoàn thanh niên các phường, xã đăng cai.
Sau mỗi mùa giải, 12 huyện sẽ tập trung những em xuất sắc nhất từ các giải đấu, đưa các em về học chung một lớp, bắt đầu đào tạo bán trú. “Chúng tôi hỗ trợ 15 triệu cho mỗi địa phương xây dựng lớp bóng đá này. Hoạt động của các đội bóng luôn được sự hỗ trợ và tạo điều kiện rất tốt từ nhà trường. 12 đội được tập hợp cũng chính là nòng cốt cho các huyện tham dự giải vô địch nhi đồng toàn tỉnh Hải Dương vào cuối năm. Cứ như thế lặp đi lặp lại, chúng tôi tự hào là dù kinh phí ít nhưng phong trào lúc nào cũng rất hứng khởi, sôi nổi”, ông Thịnh chia sẻ.
Được biết, sau giải toàn tỉnh, các huấn luyện viên của Trung tâm sẽ trực tiếp chọn ra khoảng 20 tới 25 cầu thủ tốt nhất, thành lập đội bóng U11 Hải Dương dự giải toàn quốc. Do được sàng lọc qua nhiều giải đấu, không bỏ lọt nhân tài nên U11 Hải Dương luôn duy trì được thành tích ổn định ở giải toàn quốc. “Chúng tôi tự hào vì đi đâu các đội cũng đánh giá Hải Dương mạnh lắm, giỏi lắm, khó chơi lắm”, ông Thịnh hào hứng nói.
Thế nhưng, khi được hỏi tại sao Hải Dương không thành lập đội bóng chuyên nghiệp, ông Thịnh lắc đầu phân trần: “Nói thì đơn giản nhưng để thành lập được đội bóng có thể thi đấu tại V-League phải cần cả một hệ thống. Từ U11, U13, U15, U17, U19, U21, U23… phải có khoảng từ 200 đến 300 cầu thủ. Lực lượng HLV đi kèm cũng phải vài chục người, ngoài ra còn phải xây dựng hệ thống sân bãi đạt chuẩn, tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Riêng kinh phí cho đội bóng dự V-League tối thiểu là 40 tỷ/năm nhưng chúng tôi chỉ có 2 tỷ ngân sách mỗi năm. Hải Dương chưa có nhà đầu tư nên chưa xác định làm. Đương nhiên, trong tương lai, nếu TP Hải Dương lên đô thị loại I, cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện được cải thiện thì chúng tôi sẽ tính tiếp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận