Tăng tổng mức đầu tư, giãn tiến độ thực hiện
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục Đại Thắng (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến tuyến kết nối với đường vào khu tái định cư, mặt cắt ngang đường 25m) tại phường Hoà Nghĩa (quận Dương Kinh) đã được HĐND TP Hải Phòng khóa XVI thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Dự án có mục tiêu đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của người dân khu vực và vùng lân cận, từng bước đáp ứng tiêu chí đô thị loại I theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Dương Kinh đến năm 2025.
Quy mô dự án thuộc công trình giao thông cấp III (đường phố gom) với chiều dài 600m mặt cắt 25m cùng hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, biển báo hiệu đường bộ. Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt lần đầu là hơn 115,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện năm 2022-2024.
Cùng với đó, dự án đường nối đường Nguyễn Lương Bằng với đường Trần Nhân Tông (quận Kiến An) cũng được HĐND TP Hải Phòng khóa XVI thông qua tại kỳ họp thứ 6 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của nhân dân trong khu vực và vùng lân cận từng bước đáp ứng tiêu chí đô thị loại I theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Kiến An đến năm 2025.
Dự án đường nối đường Nguyễn Lương Bằng với đường Trần Nhân Tông (quận Kiến An) dài khoảng 1.500m chia làm 2 đoạn, đoạn 1 dài hơn 1.280m mặt cắt lộ giới 15m, đoạn 2 dài hơn 206m với mặt cắt lộ giới 13m.
Dự án còn thực hiện di chuyển điện, trạm biến áp và xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và biển báo hiệu đường bộ.
Tổng mức đầu tư dự án ban đầu là hơn 189,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện năm 2023-2024.
Tại kỳ họp thứ 19 mới đây, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI đã thông qua các nghị quyết điều chỉnh chủ trương tăng tổng mức đầu tư và giãn tiến độ thực hiện đối với cả 2 dự án nói trên.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục Đại Thắng (phường Hoà Nghĩa, quận Dương Kinh) được tăng tổng mức đầu tư từ 115,8 tỷ đồng lên thành hơn 126,7 tỷ đồng (tăng hơn 10,8 tỷ đồng), trong đó ngân sách thành phố hơn 111,7 tỷ đồng, ngân sách quận Dương Kinh hơn 15 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh từ năm 2022-2024 thành năm 2022-2025.
Dự án đường nối đường Nguyễn Lương Bằng với đường Trần Nhân Tông (quận Kiến An) được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 189,3 tỷ đồng thành hơn 218,3 tỷ đồng (tăng hơn 29 tỷ đồng), trong đó ngân sách thành phố hơn 189,3 tỷ đồng, ngân sách quận Kiến An hơn 29 tỷ đồng. Thời gian thực hiện được điều chỉnh từ năm 2023-2024 thành năm 2023-2025.
Nguyên nhân vì sao?
Theo tờ trình đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND TP Hải Phòng. Dự án đường trục Đại Thắng đã được UBND quận Dương Kinh thực hiện các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công xây dựng.
Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có sự thay đổi về giá đất để tính bồi thường.
Cụ thể, giá đất tại tuyến đường chưa thực hiện giải phóng mặt bằng tùy theo vị trí tăng từ 2,05 đến 2,99 lần (tăng hơn 23,7 tỷ đồng), làm phát sinh tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt nên cần thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.
Mặc dù chi phí bồi thường tăng thêm hơn 23,7 tỷ đồng nhưng do dự án được điều chỉnh giảm chi phí xây dựng xuống hơn 1,66 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án giảm hơn 2,1 tỷ đồng, chi phí dự phòng giảm hơn 9 tỷ đồng nên tổng mức đầu tư tăng thêm chỉ còn hơn 10,8 tỷ đồng.
Do công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc chưa đáp ứng được tiến độ thực, dự án còn phải thực hiện các công việc thi công xây dựng, giám sát, nghiệm thu hoàn thành, bàn giao, quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án nên cần giãn tiến độ hoàn thành sang năm 2025.
Đối với dự án đường nối đường Nguyễn Lương Bằng với đường Trần Nhân Tông (quận Kiến An), tại thời điểm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có sự thay đổi về giá đất để tính tiền bồi thường với hệ số K thấp nhất là 1,86 lần và cao nhất là 2,34 lần (khái toán ban đầu hệ số K là 1,46 lần), làm phát sinh tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thêm hơn 33,3 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí giải phóng mặt bằng tăng hơn 33,3 tỷ đồng, chi phí xây dựng cũng tăng thêm hơn 8,6 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng hơn 2,3 tỷ đồng nhưng do chi phí dự phòng giảm hơn 15,3 tỷ đồng nên tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án chỉ còn hơn 29 tỷ đồng.
Do phát sinh tăng thêm làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt nên cần điều chỉnh chủ trương theo quy định của Luật Đầu tư công.
Cũng do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên dự án chậm tiến độ không thể hoàn thành trong năm 2024 cần được điều chỉnh hoàn thành trong năm 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận