Thị trường

Vì sao hàng loạt lô hàng nông sản Việt Nam bị cảnh báo?

01/12/2015, 19:20

11 tháng đầu năm 2015, EU từ chối thông quan 21 nông sản của Việt Nam.

Vi-sao-hang-loat-lo-hang-nong-san-Viet-Nam-bi-canh
Hàng loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản bị cảnh báo. Ảnh minh họa

Nhóm Công tác Nông nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2015 ngày 1/12 cho biết, liên tiếp trong năm 2014 và 2015, Ủy ban thương mại EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều lời cảnh báo về những lô hải sản có chứa dư lượng thuốc kháng sinh vượt quá mức cho phép từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Riêng trong 11 tháng năm 2015, Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của EU đã từ chối thông quan 21 sản phẩm từ Việt Nam nhập khẩu vào các nước thành viên EU.

Bên cạnh đó, 17 sản phẩm khác của Việt Nam bị tạm ngừng thông quan và phải cung cấp thêm thông tin trước khi quyết định được đưa ra.

Nhóm công tác cho rằng, trong bối cảnh một loạt các hiệp định thương mại tự do sẽ được kí kết và phê chuẩn, điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề đa dư lượng (multi-residue levels - MLRs) khi cuộc cạnh tranh ngày một trở nên khốc liệt hơn.

Cũng theo Nhóm công tác, nguyên nhân gây nên mức độ dư lượng cao có thể do những thành phần giả mạo và bất hợp pháp hoặc nguyên liệu thô hoặc những sản phẩm đã bị cấm từ lâu ở các quốc gia khác nhưng vẫn chưa bị cấm và được sử dụng tại Việt Nam do thiếu quy định rõ ràng hay thiếu các biện pháp cưỡng chế.

Việc này sẽ đe dọa tới danh tiếng của các sản phẩm Việt Nam và gây nguy hiểm với sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng.

“Theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề an toàn thực phẩm có thể giải quyết bằng nhiều cách khác nhau, như sử dụng khuôn khổ luật pháp đúng đắn, hệ thống truy xuất nguồn gốc, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tập trung tham gia theo nhiều cách vào chuỗi cung ứng, quyền sở hữu trí tuệ, quản lí và kiểm soát thuốc trừ sâu, hệ thống kiểm tra tốt và cưỡng chế thi hành hiệu quả”, nhóm đưa ra giải pháp

Nhóm cũng đề xuất cưỡng chế thực thi pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm, đặc biệt khi sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.