Pháp luật

Vì sao hàng trăm sinh viên ở Cần Thơ bỗng dưng thành con nợ?

03/06/2022, 11:35

Hàng trăm sinh viên ở Cần Thơ đã trở thành con nợ vì sập bẫy mua hàng trả góp; nhiều em đã phải bỏ học để đi làm thêm lấy tiền trả nợ…

Sập bẫy mua hàng trả góp

Ngày 3/6, Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết, cơ quan này vừa phát đi thông báo gửi các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, để thông báo cho các sinh viên đang theo học bị một đối tượng lôi kéo, tham gia mua hàng trả góp, rồi lâm vào cảnh nợ nần, bị đe dọa.

img

Các em sinh viên lâm vào cảnh khốn khổ vì sập bẫy mua hàng trả góp.

Trước đó, hàng trăm sinh viên thuộc các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Cần Thơ bỗng dưng ôm số nợ lên đến vài chục triệu đồng mỗi người. Tất cả đều sập bẫy một đối tượng nhờ đứng tên mua hàng trả góp.

Theo tìm hiểu của PV, có một đối tượng tên Trương Quang Anh Đức, đã tìm đến các sinh viên ở Cần Thơ, rồi tự giới thiệu mình là người chạy doanh số cho cửa hàng Thế giới di động và FPT.

Đức nhờ nhiều sinh viên ở các trường đứng tên mua điện thoại di động, laptop trả góp. Mỗi hồ sơ, sinh viên được trả công 400.000 đồng. Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần cung cấp chứng minh thư, ký tên mua hàng, thậm chí không cần ký.

Em N.H.L. (sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Qua lời giới thiệu, em có quen với anh Đức. Anh ta nói với em là nhân viên trong cửa hàng di động, rồi nhờ tụi em chạy doanh số cho các cửa hàng.

Mỗi bộ hồ sơ đậu, em sẽ được trả tiền công 400.000 đồng; mỗi người được làm tối đa 2 bộ hồ sơ. Sau đó, em cũng có giới thiệu cho 2 người nữa và được nhận thêm 150.000 đồng/người, tiền công.

Khi em ký giấy tờ xong thì bất ngờ mấy ngày sau, anh Đức thú nhận là bị "bể nợ". Anh ấy nói lấy số tiền mà lừa tụi em ký vay để đem ra ngoài cho người khác vay lại.

Đến giờ anh ấy không còn khả năng chi trả... Tổng số tiền em và đứa em trai đang bị nợ là khoảng 60 triệu đồng”.

Qua trao đổi, có tới hàng trăm sinh viên đã bị đối tượng tên Đức lừa ký hồ sơ. Người ít thì 10 triệu, nhiều lên đến hơn 60 triệu đồng. Tất cả đều không có khả năng chi trả. Nhiều tháng qua, các em liên tục bị điện thoại, nhắn tin đòi nợ, thậm chí đe dọa, khủng bố tinh thần.

Em B. (sinh viên một trường cao đẳng) cho biết: “Sau lần bị lừa ký vay nợ, em liên tục bị các số máy nhắn tin đe dọa, yêu cầu trả nợ. Bây giờ tụi em rất bất an, cuộc sống gặp vô số phiền toái, thậm chí không dám gặp bạn bè”.

Còn T. (sinh viên một trường cao đẳng khác) bức xúc: "Hiện người tên Đức đang lẩn trốn và chặn mọi liên lạc.

Em rất lấy làm lạ, vì trước đây đã từng mang CMND và thẻ sinh viên đi mua hàng trả góp, nhưng hồ sơ vẫn không đậu. Lần này tụi em chỉ ký tên, và đưa CMND, thậm chí có người còn không ký, nhưng mọi thứ vẫn thông qua trót lọt.

Liệu ở đây có sự móc nối nào giữa các đối tượng để đẩy sinh viên vào cảnh nợ nần hay không?”, T. đặt vấn đề.

Theo trình bày của các sinh viên, hiện các em phải trả góp hàng tháng cho các tổ chức cho vay. Nhưng bản chất người vay nợ là đối tượng Đức. Giờ đây, hằng ngày, các em nhận được hàng loạt tin nhắn đe dọa, chửi bới buộc phải thanh toán nợ làm các em rất hoang mang, lo sợ.

Bỏ học, đi “cày” để trả nợ!

Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến 4/2022 đối tượng Trương Quang Anh Đức đã dụ dỗ hơn 300 sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Cần Thơ đứng hồ sơ vay tiền mua hàng. Đến giờ, Đức đã trốn biệt tăm.

img

Đối tượng được cho là Trương Quang Anh Đức đã lừa hàng trăm sinh viên.

Do quá lo sợ, hầu hết các sinh viên đều giấu gia đình và không báo với nhà trường. Một số sinh viên đã phải nghỉ học, đa số còn lại phải đi làm thêm để hy vọng có tiền trả nợ.

Sinh viên N.H., đang học năm thứ 3 ngành xây dựng tại một trường đại học, cho biết: “Vừa qua, em đành bảo lưu kết quả để đi làm thêm kiếm tiền trả nợ. Công việc bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 17h chiều.

Với tiền công nhận được là 220.000 đòng/ngày, không biết đến bao giờ em mới trả hết số nợ ngân hàng gần 60 triệu”.

Một sinh viên khác thì nói: “Bây giờ, tụi em phải trả nợ giùm anh Đức, ảnh lừa em mua sản phẩm iPhone và laptop cho ảnh. Em đang thiếu ngân hàng trên dưới 50 triệu. Bây giờ em phải đi làm bốc vác để trả nợ”.

Luật sư Lê Thị Ngọc Diễm (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết: Để cho vay mua hàng trả góp, ngân hàng phải xác minh khả năng trả nợ của người vay. Hồ sơ cũng phải có chữ ký của người vay và tổ chức tín dụng.

Việc đối tượng Trương Quang Anh Đức dụ dỗ hàng trăm sinh viên vay tiền mua hàng trả góp mà không qua xác minh, không có đầy đủ chữ ký của sinh viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, trong trường này là hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản theo Bộ Luật Hình sự hiện hành. Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền nên sớm vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý, giải quyết vụ án…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.