Xã hội

Vì sao học viên cai nghiện liên tục đập phá, trốn trại?

07/11/2016, 19:20
image

Cai nghiện ma tuý tập trung như hiện nay không phải phương án tối ưu nên dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc.

img_1989-0903

Các học viên cai nghiện bị bắt quay lại trung tâm sau khi tham gia đập phá, trốn trại.

Đó là nhận định của ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm uỷ ban các vấn đề xã hội khi trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội về việc liên tục xảy ra tình trạng các học viên cai nghiện kích động đập phá và trốn trại ra ngoài.

Mới đây nhất, khoảng 10h sáng 6/11, hàng trăm học viên tại Cơ sở điều trị nghiện ma tuý Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã phá cửa phòng, tràn ra khu vực sân gây náo loạn. Những học viên đập phá, hò hét và manh động nên cán bộ trung tâm không thể phản ứng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ công an và dân quân huyện Xuân Lộc có mặt giữ trật tự, tìm cách ngăn chặn học viên bỏ trốn ra ngoài.

Đến 10h sáng nay (7/11), hàng trăm học viên cai nghiện ở Trung tâm cai nghiện Đồng Nai lại tiếp tục đập phá ra yêu sách đòi về. Nhiều học viên leo lên mái tôn, hò hét nói bắt cai nghiện quá lâu, đòi về gặp gia đình vợ con. Các học viên ùa ra, ném vật cứng vào cảnh sát để ùa ra gần cổng chính khiến lực lượng cảnh sát được huy động tới hiện trường đã phải dùng hơi cay mới đẩy lùi được học viên vào lại trong trại.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng nguyên nhân một phần có thể do đầu tư vào các trung tâm cai nghiện của ta còn ít nên điều kiện ăn uống, sinh hoạt tại đây không được tốt nên nhiều người muốn về nhà. Bên cạnh đó, do những người này đã dùng chất kích thích nên rất dễ bị kích động, chỉ cần một đối tượng đứng lên kích động, tạo ra làn sóng là các đối tượng khác dễ bị kích động theo.

20161107_154815

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội.

Vì thế, ông Lợi lưu ý cách thức quản lý các đối tượng cai nghiện phải cải thiện điều kiện sinh hoạt hết sức thoải mái, cởi mở để họ cảm thấy đó không phải chỗ nhốt mình, mà đó là chỗ sinh hoạt để họ giao lưu với nhau, lao động với tính chất thoải mái để quên đi chất gây nghiện.

“Thực ra hiện nay ở ta, người nghiện được đối xử khá thoải mái. Người nghiện có thể tự nguyện cai nghiện, người nào không nơi nương tựa thì được nhà nước hỗ trợ chứ không bị bắt buộc như trước đây. Mục tiêu hiện nay là làm sao hạn chế bớt bức xúc ngoài xã hội vì với các đối tượng này, cai nghiện được cho một người là rất khó khăn, cần đầu tư lớn, và phải hết sức cẩn thận” – ông Lợi nói và chia sẻ: “Ngày xưa phụ trách, quản lý lĩnh vực này tôi thấy rất vất vả”.

Đặc biệt tại Đồng Nai, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng liên tiếp xảy ra 3 vụ học viên cai nghiện phá trung tâm, ông Lợi cho rằng do có một thời kỳ ta không tập trung lớn cho công tác cai nghiện, sau một thời gian số người này tăng lên rồi mới tiếp tục đưa vào trung tâm, và số lượng người cai nghiện tăng lên thì dễ có xung đột, dễ xảy ra chuyện kích động.

Bàn về giải pháp, Phó Chủ nhiệm uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng quan trọng nhất là phải phân biệt đúng đối tượng và phải quản chặt các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ gây kích động cao.

“Đối với người nghiện, con đường lâu dài vẫn là thực hiện xã hội hoá, gia đình phải có trách nhiệm. Quản người nghiện đã khó khăn rồi mà đây lại tập trung tất cả người nghiện vào thì quá nguy hiểm. Phải xã hội hoá đi, đối tượng nào có gia đình mà có điều kiện thì cho tự cai, Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ thì sẽ đỡ hơn” – ông Lợi nói.

Trong những sự việc này, theo ông Lợi cũng không thể hoàn toàn trách chính quyền địa phương hay những người quản lý trong trại cai nghiện vì rõ ràng không ai muốn việc này xảy ra.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.