Thế giới giao thông

Vì sao ít phụ nữ theo nghiệp phi công?

25/04/2018, 07:00

Sự tài tình của nữ phi công đã điều khiển máy bay 737 nổ động cơ trên không thoát “khỏi bàn tay tử thần”...

26

Phụ nữ chỉ chiếm 5% tổng số phi công trên toàn thế giới

Sự tài tình của nữ phi công đã điều khiển máy bay 737 nổ động cơ trên không thoát “khỏi bàn tay tử thần” trong phút chốc cùng đam mê nghề của bà đã trở thành câu chuyện khơi gợi cảm hứng cho rất nhiều người yêu nghề hàng không, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng nhìn về thực tế hiện nay, số lượng phụ nữ làm phi công rất hiếm hoi.

Phụ nữ chỉ chiếm 5% tổng số phi công

Trước khi trở thành nữ phi công anh hùng của Southwest Airlines, bình tĩnh cứu mạng 148 hành khách trên chuyến bay sóng gió, bà Tammie Jo Shults đã từng hai lần bị từ chối. Bà nộp đơn xin trở thành phi công Không quân Hoa Kỳ 2 lần nhưng đều bị bác bỏ vì là nữ. Đến lần thứ 3, khi nộp đơn vào Hải quân Mỹ, bà mới được chấp nhận sau đó trở thành một trong những nữ phi công tiêm kích đầu tiên của lực lượng.

Khi trở thành cơ trưởng hàng không thương mại đầu tiên của Anh vào năm 1962, bà Yvonne Pope Sintes đã phải phát triển từ sự nghiệp từ một tiếp viên hàng không. Thậm chí, trước khi bà thành công, một phi công nam từng nói với bà rằng, nếu có một phụ nữ vào ngành phi công, anh ta sẽ nghỉ việc.

Câu chuyện của bà Shutls, bà Sintes... là sự thật điển hình trong ngành phi công quân sự và dân sự. Ước tính từ Hiệp hội Nữ phi công hàng không quốc tế (ISA) cho thấy, chỉ có khoảng 4.000 phi công nữ trong tổng số 130.000 phi công trên toàn thế giới. Một khảo sát khác do EasyJet thực hiện chỉ ra, số nữ phi công chỉ chiếm 5% trong tổng số phi công toàn thế giới. Riêng trong hãng EasyJet, chỉ có khoảng 6% phi công của hãng là nữ.

Nữ phi công Maria Fagerström

Nữ phi công Maria Fagerström

Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) cũng từng công bố kết quả khảo sát cho thấy, số cơ trưởng và cơ phó là nữ chỉ khoảng 570 người trong tổng số 9.846 người, chiếm chưa đầy 6%. Nếu so sánh với tỉ lệ dân số thế giới khi nữ chiếm gần 50% thì tỉ lệ trên là quá thấp.

Công việc áp lực, rủi ro bậc nhất

Sở dĩ rất ít nữ bước chân vào ngành phi công vì đây là một công việc đòi hỏi sức khỏe, thể lực rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Trước hết, mọi thay đổi về khí hậu, khoảng cách địa lý, các lỗi kĩ thuật cũng như trục trặc nhỏ trong suốt quá trình bay đều có thể ảnh hưởng tới an toàn.

Khi máy bay đang hành trình trên không, tất cả trách nhiệm, phán đoán và quyết định nằm trong tay người phi công. Câu chuyện nhiều chuyến bay như MH370 mất tích bí ẩn hay máy bay MH17 bất ngờ bị bắn rơi trên không... chính là những ví dụ điển hình về rủi ro mà nghề phi công đặt ra.

Vì những khó khăn này, nghề cầm lái máy bay đòi hỏi phải có sức khỏe, tâm lý, kiến thức, khả năng phản xạ cực kỳ nhạy bén. Thậm chí, phi công chỉ bị một vết sẹo cũng có thể không được cầm lái vì khi máy bay lên cao, áp lực mạnh có khả năng khiến những vết sẹo bị xé toạc.

Phi công Eva Claire Marseille

Phi công Eva Claire Marseille

Thậm chí, trước đây, theo Business Insider, một người muốn trở thành phi công phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chiều cao và cân nặng. Do phụ nữ thường thấp hơn nam giới cũng như khác biệt nhiều về sức khoẻ nên nhiều người không được nhận khi nộp đơn trở thành phi công.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nữ phi công hàng không quốc tế, thời gian gần đây, những yêu cầu về chiều cao, cân nặng đã không còn mấy ảnh hưởng. Yêu cầu quan trọng nhất đó là phi công tương lai có thể ngồi trước thiết bị mô phỏng, thực hiện các thao tác nuột nà không phạm lỗi là được nhận.

Một lý do khác khiến ít phụ nữ tham gia vào ngành phi công là công việc đòi hỏi phải dành thời gian quá lớn, lịch trình dày đặc. Phần lớn phụ nữ có thiên hướng tập trung vào cuộc sống gia đình và ở gần nhà hơn, theo Business Insider. Song, do suy nghĩ và lối sống của phần lớn phụ nữ hiện đại dần thay đổi nên việc bất chấp khó khăn về mặt thời gian để phấn đấu vì đam mê đang có xu hướng tăng lên.

Phi công Michelle Gooris

Phi công Michelle Gooris

Tăng trưởng tỉ lệ phi công nữ so với nam thời gian gần đây cũng bắt đầu nhích dần như lời phi công, biên tập viên tạp chí Hàng không cho phụ nữ - bà Amy Laboda nhận định: “Tình hình phi công nữ đã có những thay đổi đáng kể”. “Lý do là vì thời đại này, hầu hết khủng long đều đã tuyệt chủng… Những người đàn ông không muốn phụ nữ làm việc trong cabin gần như nghỉ hưu hết rồi”, bà Laboda ví von.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.