Nhàn hạ vẫn giàu nhanh một cách bền vững là những gì Nilecoin đang rêu rao để thu hút người chơi |
Vẫn hô hào đầu tư
Sau khi Báo Giao thông số 151 ra ngày 20/9 có bài “Xâm nhập đường dây tiền ảo mới Nilecoin”, chiều 21/9, liên hệ với H.C, một người được phong làm thủ lĩnh Nilecoin tại Việt Nam, PV Báo Giao thông vẫn nhận được lời khẳng định chắc nịch: Nilecoin vẫn giao dịch bình thường. “Việc người dân chưa giàu lên nhờ những dự án như Bitcoin hay Nilecoin vì nó chưa được chấp nhận và do truyền thông làm ảnh hưởng”, ông H.C nói.
Theo tìm hiểu, nhóm Nilecoin Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Ngay trong ngày 20/9, một hội thảo do nhóm tổ chức diễn ra công khai và khá xôm tụ. Được biết, trang mạng xã hội Facebook có tên Nilecoin Việt Nam bắt đầu hoạt động từ ngày 29/7. Đến chiều 21/9 đã có tổng cộng 11 bài viết và hình ảnh. Trong một bài viết mới đây, nhóm này cho biết đã có “hơn 85.000 nhà đầu tư tại Việt Nam kiếm lợi nhuận cao từ đầu tư tiền điện tử Nilecoin với giá chỉ 0,105 USD”. Nhóm còn đồn thổi rằng nếu sau 6 tháng Nilecoin lên giá đến 50 USD/Nilecoin thì ai sẽ là tỷ phú.
Đáng chú ý, nhóm cũng liên tục so sánh Nilecoin với đồng tiền ảo Bitcoin đang gây “sốt” và tiền điện tử được ví như vàng trên mạng và là xu hướng thay thế cho tiền mặt.
Để người nghe thêm tin tưởng, đại diện nhóm khẳng định: “Hiện nay, Nhà nước ta mới cho phép giao dịch đồng coin qua tài khoản của Ngân hàng Vietcombank” (?). Sắp tới, khi Chính phủ nghiên cứu và ban hành văn bản về quản lý tiền ảo, tiền điện tử thì sẽ cho thêm các ngân hàng khác nữa như Agribank, ACB… tham gia giao dịch (?). Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietcombank khẳng định hoàn toàn không có chuyện cho phép giao dịch đồng Nilecoin cũng như bất cứ đồng tiền ảo nào qua ngân hàng này.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có Công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo. Theo đó, NHNN khẳng định, các loại tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Trước đó, NHNN đã nhiều lần cảnh báo những rủi ro đến tiền ảo như tính ẩn danh cao, có thể trở thành công cụ cho tội phạm (rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch và thanh toán tài sản phi pháp).
Thiệt hại khó khắc phục
Chiều 21/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Kinh doanh tiền ảo hiện nay vẫn chưa được pháp luật công nhận nên rõ ràng đây là hoạt động trái phép. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép. Đây chính là kẽ hở để kinh doanh tiền ảo hoạt động công khai, gây khó cho cơ quan quản lý. Nếu thuận mua vừa bán thì cũng không thể cấm được bởi đây là hoạt động dân sự. Chỉ khi hoạt động kinh doanh tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an mới có cơ sở vào cuộc điều tra xác minh.
Một cán bộ công an từng điều tra một số vụ tiền ảo, sàn cho nhận... biến tướng đa cấp cũng xác nhận kẽ hở này và cho biết đây là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan này lúng túng trong xử lý.
Trong khi đó, cũng theo ông Truyền, bán hàng đa cấp nếu chưa được cấp phép cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Pháp luật Việt Nam mới chỉ công nhận hình thức kinh doanh đa cấp với sản phẩm hàng hóa thực. Tuy nhiên, với tiền ảo vẫn còn đang tranh cãi liệu có phải là một thứ hàng hóa hay không. “Từ trước tới nay, hoạt động bán hàng đa cấp gây nhiều hệ lụy, bất ổn hoang mang trong xã hội. Nếu có hậu quả thì đối tượng gánh thiệt hại nhiều nhất vẫn là người chơi. Đáng nói, đối với những thiệt hại này, rất khó để tìm cách khắc phục. Bởi lẽ, thường khi những ông chủ đường dây đa cấp online như tiền ảo đã hưởng lợi đủ, sẽ đánh sập mạng, xóa sạch dấu tích và cao chạy xa bay”, ông Truyền cảnh báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận