Giảm giá dịch vụ, cảng biển sẽ chịu “đòn kép”
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước tác động của dịch Covid-19, mới đây, hàng loạt doanh nghiệp vận kiến nghị xem xét về khả năng điều chỉnh giảm khung giá dịch vụ đang áp dụng cho các hoạt động vận tải hàng hải.
Điển hình, tại văn bản kiến nghị gửi đến Bộ GTVT, Công ty CP CMA-CGM kiến nghị điều chỉnh phí tải trọng, phí hoa tiêu, phí cầu bến, phí xếp dỡ và xếp dỡ hàng chuyển tải với lý do: “Dịch Covid-19 bùng phát khiến sản lượng vận chuyển của công ty giảm 10% kể từ đầu năm. Tình trạng này nằm ngoài tầm kiểm soát và CMA-CGM và mong muốn sự hỗ trợ từ Bộ GTVT để duy trì khối lượng hàng hóa tại 11 cảng biển của Việt Nam”.
Tuy nhiên, đề xuất trên lập tức vấp phải sự phản đối từ phía các doanh nghiệp (DN) cảng biển. Theo ông Triệu Thế Thuận, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ, khung giá quy định tại Thông tư 54/2018 có giá sàn dịch vụ bốc dỡ container quá thấp, chỉ bằng khoảng 1/2 so với mức bình quân trong khu vực.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải VN phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018. Trong đó, tiếp tục tăng có lộ trình đối với giá dịch vụ xếp dỡ container và sửa đổi, bổ sung biểu khung giá hoa tiêu, lai dắt hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, DN, khắc phục được các vướng mắc hiện nay.
Thậm chí, khung giá sàn dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực I còn ở mức “chạm đáy” trong cả nước với mức giá sàn container ngoại là 33 USD/cont’20, chỉ bằng 80% so với khu vực 3, giá sàn container nội địa là 260.000 đồng/cont’20 (bằng 33% giá sàn container ngoại) mặc dù các thao tác là như nhau và các cảng cũng phải đầu tư mới các trang thiết bị”
Mặt khác, hiện 95% hàng hóa XNK bằng container đi và đến Việt Nam do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Do thu cước xếp dỡ container từ chủ hàng XNK với đơn giá khoảng: 100 USD/cont’20, 150 USD/cont’40 nhưng họ chỉ thanh toán cước xếp dỡ container cho cảng ở mức thấp. Ước tính với khoảng 10 triệu Teus hàng hóa XNK thông qua cảng biển Việt Nam mỗi năm, các hãng tàu hưởng phần chêch lệch cước xếp dỡ rất lớn, lên đến hàng trăm triệu USD/năm.
“Như vậy, việc giảm giá sàn thêm 30% là không thực tế, chỉ mang lại lợi ích cho các hãng tàu nước ngoài và gây thiệt hại nặng nề hơn cho các DN cảng trong bối cảnh cảng biển cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 (riêng các cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn sụt giảm sản lượng từ 10 - 15% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm 2019). Việc đề xuất cho phép giảm giá cũng sẽ phá hủy công sức xây dựng giá sàn mà trước đây mất rất nhiều thời gian mới hình thành được. Các hãng tàu sẽ căn cứ chính sách này để ép các cảng trong việc đàm phán giá dịch vụ năm 2020”, ông Thuận chia sẻ.
Cũng theo ông Thuận, việc giảm giá dịch vụ sẽ làm giảm doanh thu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập của người lao động đang “thắt lưng buộc bụng” trong điều kiện khó khăn. Thu nhập quá thấp sẽ không tạo được động lực để tái đầu tư sức lao động đến đến năng suất lao động thấp kém, không tạo cạnh tranh, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó TGĐ Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, hiện 100% hàng hóa XNK tuyến xa và hàng nội Á tại Cái Mép đều do các hãng tàu nước ngoài chuyên chở, thị phần của các hãng tàu nội địa là 0%.
Trong khi đó, dịch Covid-19 đang khiến hoạt động XNK trong nước đối diện với nguy cơ sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng, một số ngành xuất khẩu chủ lực như giày da, may mặc, đồ gỗ sụt giảm đến 70%. Hiệu ứng dây chuyền khiến các cảng biển bị sụt giảm sản lượng xếp dỡ dẫn tới doanh thu giảm mạnh.
“Như vậy, nếu giá xếp dỡ được giảm so dưới mức giá tối thiểu hiện nay, chỉ có lợi cho các hãng tàu nước ngoài khi họ thu phí THC từ các chủ hàng khoảng 120 USD/cont’20 và chỉ nộp về cho cảng 52 USD/cont’20, thậm chí thấp hơn trong trường hợp giá xếp dỡ tại cảng tiếp tục giảm 30%. Cảng biển Việt Nam sẽ phải chịu đòn kép, doanh thu vừa sụt giảm do sản lượng giảm, vừa do giá xếp dỡ giảm”, ông Kỳ cho hay.
Không giảm giá xếp dỡ, khuyến khích giảm giá dịch vụ khác trong khung quy định
Lắng nghe ý kiến của DN, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công về giá dịch vụ cảng biển và phí hàng hải trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực tiễn.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng, giá xếp dỡ container theo Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và lai dắt tại cảng biển Việt Nam hiện đã cao hơn trước nhưng còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, tại Việt Nam, sau thời điểm áp dụng khung giá mới, giá bốc dỡ container cao nhất tại các cảng nước sâu như Cái Mép - Thị Vải mới chạm ngưỡng 52 USD/cont20’, 77 USD/cont40’. Khu vực 1 chỉ dừng lại ở mức 33 USD/cont20’, 53 USD/cont40’.
Trong khi đó, hiện giá xếp dỡ container XNK Singapore là 111 USD/cont20’; 159 USD/cont40’; Campuchia (có hạ tầng cảng biển nghèo nàn hơn Việt Nam) cũng đang thu khoảng 65 USD/cont20’, 99 USD/cont40’.
“Việc giảm giá xếp dỡ container sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các DN cảng biển Việt Nam nhưng mang lại lợi ích cho các DN vận tải biển nước ngoài khi các DN này vẫn thu phụ phí cao đối với DN XNK Việt Nam. Vì vậy, quan điểm của Bộ GTVT là không xem xét giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu tại cảng biển như đã quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Đối với việc giảm phí, lệ phí hàng hải, theo Thứ trưởng Công, hiện tại, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài thực hiện, việc giảm phí, lệ phí sẽ đem lại lợi ích cho các hãng tàu ngoại nhưng làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và chỉ hỗ trợ một phần nhỏ DN vận tải trong nước. Vì vậy, Cục Hàng hải VN cần phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động, báo cáo Bộ GTVT trước khi có kiến nghị cụ thể Bộ Tài Chính.
Nhằm hỗ trợ các DN trong giai đoạn khó khăn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Hàng hải VN làm việc với các hiệp hội, DN liên quan khuyến khích việc giảm giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo trong phạm vi giá tối thiểu - tối đa theo quy định hiện hành tùy vào khả năng của DN cung ứng dịch vụ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN đã tổ chức họp và thống nhất với Hiệp hội Hoa tiêu VN, các DN hoa tiêu áp dụng mức giá tối thiểu quy định tại Thông tư 54/2018 (giảm 10% so với mức giá đang áp dụng hiện nay) cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa (gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB) trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 1/5.
“Thời điểm hiện tại, Cục Hàng hải VN cũng đã nhận được báo cáo gần 50 DN cung ứng dịch vụ lai dắt tại Việt Nam đồng ý giảm giá (trong khung giá quy định) cho tàu thuyền hoạt động nội địa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian và mức giảm sẽ tùy thuộc vào khả năng của các đơn vị”, ông Sang thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận